Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

Mâm ngũ quả ngày Tết

Ngày Tết cổ truyền, trên bàn thờ gia tiên có thể bình dị, cũng có thể mâm cao cỗ đầy, có thể nhỏ, cũng có thể lớn. Song, không bao giờ thiếu mâm ngũ quả. Là người tự tay sắm sửa và trang trí mâm ngũ quả, bạn đã thực sự hiểu về ý nghĩa cũng như cách sắp xếp để thể hiện được những ý nguyện, sự cầu mong của mình?

mâm ngũ quả ngày tết

Trang trí ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là gì?

Ngũ quả mang 2 yếu tố Ngũ và Quả. Mỗi yếu tố đều thể hiện những triết lý, quan niệm văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng.

Ngũ

Số 5 từ lâu được xem như là biểu tượng của sự sống. Trong sản xuất có ngũ cốc, ngũ quả, trong vũ trụ có ngũ hành. Đồng thời, số lẻ cũng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và phát triển liên tục.

Đặc biệt, mâm ngũ quả tuân theo quy luật ngũ hành của vũ trụ, gồm có Thủy – Hỏa – Mộc – Kim – Thổ. Mỗi hành đều có những màu sắc tương ứng với những ý nghĩa biểu trưng riêng. Do đó, sự tổng hòa ngũ hành trên một mâm ngũ quả có thể xem là sự tổng hòa của mọi yếu tố trong vũ trụ, thể hiện được bao quát những ý nguyện của con người.

Quả

Quả gắn bó sâu sắc với nền kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam.

Ngoài ra, hình ảnh lớp vỏ bao bọc lấy hạt bên trong cũng tương tự như hình ảnh của vũ trụ bao bọc lấy vì sao. Do đó, quả còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, trường tồn. Mỗi loại quả được lựa chọn trưng bày lại mang một ý nghĩa khác nhau.

Biểu tượng của màu sắc trong mâm ngũ quả

Việc lựa chọn màu sắc trước hết là làm sao để cân đối, hài hòa, có tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu bạn là người xem trọng ý nghĩa của mâm ngũ quả, nhất định không thể bỏ qua việc chọn lựa màu sắc của quả sao cho tương ứng với ngũ hành – ý nghĩa sâu xa nhất trên mâm ngũ quả. Thông thường sẽ có những màu sắc như sau:

+ Màu xanh nước biển, đen (Thủy): sang trọng, thành đạt

+ Màu đỏ (Hỏa): sức khỏe, tình yêu, sự may mắn

+ Màu xanh lá (Mộc): sự thông minh, nhanh nhẹn, nhiều phúc lộc

+ Màu trắng (Kim): tình yêu và hạnh phúc

+ Màu vàng, cam (Thổ): sự mãnh liệt trong cuộc sống, thịnh vượng, sung túc và giàu sang.

Các loại trái cây và ý nghĩa của chúng

Tùy từng địa phương và tùy mùa mà sẽ có những loại quả khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, mùa Tết, mọi người thường ưu tiên hơn cho những loại quả sau trên mâm ngũ quả:

Phật thủ (như bàn tay của đức Phật, che chở cho gia đình, mang đến sự yên bình), nải chuối (hứng lấy sự may mắn), đào (sự cao sang và thăng tiến), thanh long (phát tài phát lộc), quýt (thành đạt), bưởi (tròn đầy, may mắn), sung (sung túc, viên mãn), đu đủ (đủ đầy về mọi mặt)…

Cách trình bày mâm ngũ quả đẹp

Gọi là “ngũ quả” nhưng ngày nay, nhiều người đôi khi trình bày đến 6 – 7 loại quả, thậm chí trên một mâm. Quan niệm mâm ngũ quả càng đủ đầy thì càng thể hiện được nhiều ước nguyện cho một năm mới đủ đầy, sung túc, một cái Tết trọn vẹn, thể hiện lòng thành kính và biết ơn dâng lên tổ tiên, ông bà.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Đặt dưới cùng và nâng đỡ cho các loại quả khác là một nải chuối xanh, phía bên trong là quả phật thủ với hình dáng như bàn tay vừa che chở, vừa vươn lên cao. Phía trước sẽ là quả bưởi, xen kẽ có hồng và quất, tạo thành hình chóp với màu sắc hài hòa, bắt mắt. Đây cũng là những loại quả phổ biến, quen thuộc của miền Bắc. Nhìn chung, mâm ngũ quả của các gia đình miền Bắc thường được xem là cầu kỳ nhất, cả về cách chọn cũng như trình bày.

mâm ngũ quả miền bắc

Cách sắp xếp khá phổ biến ở các tỉnh miền Bắc

Mâm ngũ quả miền Trung

Ở miền Trung, các loại quả được chọn thường dựa vào mùa màng và đặc sản địa phương. Do đó không quá đặt nặng việc bắt buộc phải có trái cây nào hay kiêng kị trái cây nào. Thông thường sẽ có một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng được khắc chữ bày hai bên, mâm ngũ quả ở giữa. Trên mâm ngũ quả có một trái bưởi to, đối xứng 2 bên là xoài, táo đỏ hoặc hồng, mận. Có thể đặt hai chiếc ly nhỏ phía sau quả bưởi để đựng thêm hai quả đu đủ cho cao hơn, sau cùng là quả thơm hoặc thanh long. Xen kẽ là chùm nho đỏ, vài quả quýt…

mâm ngũ quả miền trung

Tham khảo kiểu sắp xếp của miền Trung

Mâm ngũ quả miền Nam

Mâm ngũ quả của gia đình miền Nam cũng khá bình dị. Các loại quả không cần thiết phải đắt đỏ, thậm chí còn rất quen thuộc, dân dã, “cây nhà lá vườn” có được. Có 2 lưu ý khi bày mâm ngũ quả miền Nam. Thứ 1 là quan niệm “cầu – dừa – sung – đủ – xài” tương ứng với các loại quả mãng cầu, dừa, sung, đu đủ, xoài (dựa vào cách phát âm theo phương ngữ Nam Bộ). Vì thế mà người dân luôn ưu tiên tìm các loại quả này để bày trí. Ngoài ra có thể thêm thơm, quýt, táo, bưởi và một cặp dưa hấu. Thứ 2, vì phát âm “chuối” của miền Nam hơi giống âm “chúi”, tức có xu hướng đi xuống nên thường sẽ hạn chế sử dụng loại quả này.

mâm ngũ quả miền nam

Mâm ngũ quả cầu – sung – dừa – đủ – xài

Nhìn chung, cách bài trí mâm ngũ quả thời nay đã khá phóng khoáng và hiện đại hơn, tùy vào quan niệm, thẩm mỹ và cả điều kiện kinh tế của từng gia đình. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng ý nghĩa, chúng ta sẽ có ý thức sắp xếp hơn. Quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính để trang hoàng bàn gia tiên, nhà cửa sạch đẹp, đón một năm mới suôn sẻ, rực rỡ, nhiều may mắn, tài lộc.

 

 

 



from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/mam-ngu-qua-ngay-tet/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bỏ túi cách làm rau muống xào tỏi tươi xanh, giòn ngon tại nhà

Là món ăn quen thuộc tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm rau muống xào tỏi tươi xanh, giòn ngon ngay tại nhà. Bài viết dưới đây, Hội ...