Dừa là loại trái quen thuộc dùng để lấy nước giải khát. Phần cùi dừa có thể tận dụng để ăn sống, kho cá, kho thịt, làm bánh, nấu sữa… đặc biệt là làm mứt. Mứt dừa từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống thông thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Cùng với mứt bí, mứt cà rốt, mứt khoai lang… mứt dừa là món ăn vặt luôn có sẵn trên bàn đãi khách.
Ngày nay, bạn có thể dễ dàng mua mứt dừa ở khắp mọi nơi, thế nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liệu có được đảm bảo? Thay vì phải phân vân, lo lắng khi chọn mua mứt Tết, tại sao bạn không dành chút thời gian vào bếp để chế biến món mứt dừa thơm ngon như ý, vừa sạch lại vừa rẻ phải không nào? Cách làm mứt dừa không khó nhưng nếu không làm đúng cách, mứt sẽ không đạt được hương vị thơm ngon đặc trưng. Say đây, hãy theo chân Hoidaubepaau.com khám phá công thức làm mứt dừa ngon chuẩn vị nhé!
Mứt dừa là món ăn vặt hấp dẫn ngày Tết
Các nguyên liệu cần chuẩn bị để làm mứt dừa
– Dừa non: 1 kg phần cùi đã tách sẵn
– Đường cát trắng: 400g
– Vani: 2ml
Lưu ý khi chọn dừa:
Để làm mứt dừa, bạn nên chọn loại dừa bánh tẻ, không quá non cũng không quá già; nếu làm dừa non sẽ khó cắt thành sợi, làm dừa già mứt bị cứng. Bạn dùng tay ấn vào cùi dừa, thấy dừa hơi mềm là được. Khi mua dừa nên nhờ người bán tách phần cùi vì nếu không quen tay sẽ rất khó tách.
Hướng dẫn các bước làm mứt dừa
Bước 1. Sơ chế dừa.
– Cùi dừa sau khi mua về bạn đem rửa sạch cho hết chất dầu, dùng dao gọt bỏ phần màu vàng phía sau cho sạch.
– Thái dừa thành những sợi dài cỡ bằng đầu đũa bằng cách dùng dao sắc cắt vòng quanh hình tròn của dừa tạo thành sợi. Dừa non thái sợi khi làm mứt sẽ vừa mềm vừa dẻo ăn rất ngon. Bạn chỉ nên bào sợi mỏng đối với dừa già.
– Sau khi thái sợi, đem dừa đi rửa cho đến khi nước trong rồi để ráo.
Thái dừa thành những sợi dài đều nhau
Bước 2. Ướp dừa với đường.
Trung bình 1kg cùi dừa sẽ ướp với khoảng 400g đường, bạn có thể thêm bớt lượng đường một chút cho phù hợp với khẩu vị. Tuy nhiên, không được bỏ ít đường vì như thế sẽ không tạo được lớp áo bên ngoài và làm mứt bị chảy nước, không kết tinh được lớp đường trắng.
Trộn đường với dừa, ướp khoảng 2 tiếng cho đường tan hết, thấm vào cùi dừa thì đem đi sên.
Bước 3. Sên mứt.
Dừa khi ướp sẽ ra rất nhiều nước nên không cần thêm nước. Để sên mứt, bạn nên dùng chảo lòng sâu là tốt nhất.
– Bắc chảo lên bếp, đổ hết phần nước ướp vào nấu, khi nước đường sôi thì hạ lửa nhỏ, nấu cho đến khi nước đường sền sệt thì mới đổ mứt vào sên. Nếu cho mứt vào sên ngay từ đầu, thời gian sên kéo dài sẽ làm mứt cứng và dai, không giữ được vị mềm dẻo của dừa non.
Sên mứt bằng chảo lòng sâu
– Khi nước đường gần cạn hết, mứt dần khô lại thì bạn phải canh lửa và đảo đều tay, đảo từ dưới lên để tránh đường kết tinh làm cháy chảo mứt. Đảo liên tục đến khi đường kết tinh và bám vào sợi mứt thì cho vani vào đảo đều rồi tắt bếp. Tiếp tục đảo để đường bám vào mứt và đến khi mứt nguội hoàn toàn. Nếu mứt còn ấm mà bạn không đảo liên tục thì khi nguội mứt hấp hơi, hôm sau sẽ bị chảy nước.
Thành phẩm mứt dừa non đạt yêu cầu có màu trắng bắt mắt, sợi mứt dài, khô, không bị đứt gãy, đường bám đều. Khi ăn, mứt mềm dẻo và có độ giòn ngon đặc trưng, thơm hương vani rất hấp dẫn.
Thành phẩm mứt dừa
Mứt dừa sau khi nguội là có thể thưởng thức. Bạn cho mứt và hộp kín hoặc túi nilong, bảo quản nơi khô thoáng. Mứt ngon nhất khi ăn trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày, nếu để lâu hơn thì cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Chúc các bạn thực hiện thành công món mứt này nhé!
Bạn có thể làm ra nhiều loại mứt với đầy màu sắc hấp dẫn tại đây
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/mut-dua/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét