Rang muối, hấp muối, nướng trui, làm thịt gác bếp… là những phương pháp chế biến món ăn độc đáo tại Việt Nam, không chỉ có cách làm đặc biệt mà còn đem đến những món ăn ngon có mùi vị đặc biệt, cực ngon và thu hút.
Ẩm thực Việt Nam phong phú và đa dạng, sự đa dạng đó không chỉ đến từ những thành phần nguyên liệu, gia vị mà còn ở các phương pháp chế biến. Ngoài các phương pháp thông thường như nướng, luộc, hấp, xào, kho, nấu canh, làm gỏi… ẩm thực Việt Nam còn có rất nhiều phương pháp chế biến món ăn ngon, độc đáo. Những phương pháp đó là gì, hôm nay hãy cùng Hoidaubepaau.com tìm hiểu nhé!
Phương pháp rang muối
Phương pháp rang muối thường được chế biến với các loại gia cầm, đặc biệt là thịt gà, một số món tiêu biểu phải kể đến như: gà rang muối nguyên con, chân gà rang muối, cánh gà rang muối, đùi gà rang muối…
Món gà rang muối với lớp bột muối bám xung quanh từng miếng gà
Muối ở đây không phải là muối trắng thông thường mà là một hỗn hợp “bột muối” đặc biệt được làm từ gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh và muối trắng. Gạo nếp, tạo tẻ, đậu xanh đem ngâm nước, để khô rồi cho vào rang chín từng loại, muối hạt giã nhỏ, cho tất cả vào máy xay xay thành hỗn hợp bột nhỏ nhưng không mịn. Nguyên liệu chính sau khi được chiên vàng sẽ được xóc với hỗn hợp bột muối này cùng một số nguyên liệu khác. Bột muối sẽ bám đều vào từng miếng thịt, đem đến lớp vỏ ngoài đẹp mắt và vị thơm bùi, giòn tan cực hấp dẫn. Đặc biệt, bột muối có thể để được rất lâu nên bạn chỉ cần làm một lần, bảo quản trong hũ thủy tinh rồi lấy ra dùng dần.
Hấp muối
Phương pháp này cũng được áp dụng phổ biến với các loại thịt gia cầm, đặc biệt là gà, vịt. Thịt gà, thịt vịt sau khi làm sạch được giữ nguyên con, tẩm ướp gia vị với hành, sả, lá chanh, hạt nêm, bột ngọt… Để chế biến thịt theo phương pháp hấp muối, người ta sẽ rải đều một lớp muối dày khoảng 2cm vào đáy nồi, sau đó xếp một lớp sả đập dập (hoặc lá chuối tươi, lá ngải cứu tươi), thêm lá chanh, gừng thái sợi, cuối cùng xếp gà lên trên, đậy nắp rồi bắt đầu nấu. Sau khoảng 30 – 40 phút, thịt gà chín thì lấy ra, chặt miếng nhỏ vừa ăn.
Phương pháp hấp muối giúp món ăn giữ được hương vị tự nhiên nhất
Với phương pháp hấp muối, thịt không chín bằng dầu ăn hay hơi nước mà chín bằng muối ở nhiệt độ cao do được hấp kín với muối. Vì vậy, thịt giữ nguyên được vị ngon ngọt đặc trưng, thơm lừng mùi hương của gừng, sả, lá chanh, thấm chút mằn mặn của muối rất vừa vị. Chế biến theo phương pháp này, món ăn tuy đơn giản nhưng hương vị thơm ngon tuyệt vời.
Nướng trui
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến món các lóc nướng trui nhưng liệu có biết nướng trui là nướng như thế nào không? Cá lóc nướng trui là một món ăn dân dã của người Việt, cá vừa bắt từ ao, hồ lên không cần sơ chế mà chỉ rửa sạch, dùng cây khô xiên dọc con cá từ đầu đến đuôi rồi vùi vào đống rơm khô, sau đó châm lửa đốt, làm như vậy cho đến khi tro tàn và nhắm chừng cá đã chín là được. Lấy cá ra, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém rồi gỡ thịt chấm muối ớt.
Cá lóc nướng trui là một món ăn dân dã của người Việt
Cá không được ướp gia vị nhưng nướng khi còn sống nên thịt rất thơm và ngọt, ăn với muối ớt hoặc nước mắm me thì không có gì để chê. Làm cá nướng trui nguyên liệu đốt nhất định phải là rơm, rơm sẽ giúp thịt cá thơm mà không bị ám mùi khói.
Làm thịt gác bếp
Thịt gác bếp là món ăn phổ biến của đồng bào vùng cao, không chỉ thơm ngon đậm đà mà còn có thể bảo quản được rất lâu.
Thịt trâu khô gác bếp
Nguyên liệu làm thịt gác bếp có thể là thịt lợn, thịt trâu, thịt bò… Thịt mới mổ xong đang còn nóng, đem ướp ngay gia vị với gừng, tỏi, ớt… và đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén, các loại lá rừng đặc trưng của đồng bào dân tộc. Thịt ướp khoảng 2 – 3 tiếng cho thấm, được xiên lần lượt vào các thanh nứa rồi treo lên gác bếp. Người ta sẽ dùng củi đốt liên tục ở dưới trong khoảng 5 – 6 tiếng để sấy khô thịt, quá trình sau đó sẽ được sấy bằng củi lửa được đun hằng ngày. Khi thịt đã ăn được, người dân vẫn giữ nguyên và chỉ lấy một lượng đủ khi ăn. Thịt gác bếp lấy xuống, xé nhỏ là ăn được liền, thịt có vị dai ngọt đậm đà, thơm lừng mùi gia vị và các loại rau rừng.
Ngoài 4 phương pháp trên, ẩm thực Việt Nam còn tồn tại rất nhiều phương pháp chế biến món ăn độc đáo khác. Mỗi phương pháp có cách thực hiện khác nhau, nguyên liệu khác nhau và đem lại những mùi vị khác nhau, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Việt Nam.
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/phuong-phap-che-bien-mon-an-tai-viet-nam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét