Hội Đầu Bếp Á Âu - Trường dạy nghề nấu ăn Chuyên Nghiệp. Nơi hội tụ những Siêu Đầu Bếp, Chuyên Gia dạy học nấu ăn hàng đầu tại Việt Nam.
Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019
Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019
Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019
Phở Cuốn
Nếu bạn biết đến phở mà chưa thưởng thức phở cuốn thì hẳn đó là một thiếu sót lớn. Đây là món phở “cách tân” độc đáo từ phở truyền thống và được xếp vào hàng “cực phẩm” của ẩm thực Hà Thành. Cùng học ngay tuyệt chiêu làm món phở cuốn ngon mê ly dưới đây để trổ tài nội trợ và chinh phục cả nhà nhé!
Món phở cuốn ngon, dễ ăn nên được nhiều người yêu thích
Món phở cuốn không thu hút thực khách bằng vị nước dùng đậm đà nhưng lại làm người ăn si mê bởi sự dinh dưỡng, thơm ngon và vị thanh ngọt tự nhiên của phần nhân làm từ thịt bò cùng các loại rau củ như: cà rốt, hành tây, giá, xà lách, húng lủi, húng quế, tía tô… Tất cả các nguyên liệu được tẩm ướp gia vị vừa khéo và gói ghém cẩn trọng trong miếng bánh phở mỏng, mềm dai, trắng mịn, tạo nên sự hài hòa, hấp dẫn về cả màu sắc lẫn hương vị.
Để thưởng thức trọn vị món phở cuốn càng không thể thiếu được chén nước chấm ăn kèm với hương vị vùng miền đặc trưng, lôi cuốn, có vị vừa phải, không quá đậm và cũng không quá nhạt. Đây hứa hẹn sẽ là món ăn ngon dễ dàng “chiều lòng” bất kể thực khách khó tính.
Chuẩn bị nguyên liệu làm phở cuốn
- Bánh phở cuốn
- 100g thịt bò
- 1 củ hành tím
- 35g sả băm
- 1 củ cà rốt
- 1 củ hành tây
- 1 củ su hào
- 50g đu đủ
- 50g giá
- 20g mè trắng
- Tương Hoisin
- 1 quả ớt
- 1 củ tỏi
- Rau thơm, húng quế, bạc hà, xà lách, tía tô, húng lủi, diếp cá…
- Gia vị: muối, đường, hạt nêm, giấm, bột ngọt.
Cách làm phở cuốn ngon
Sơ chế các loại nguyên liệu làm phở cuốn và nước chấm.
- Thịt bò rửa sạch để ráo.
- Hành, tỏi lột vỏ, đập dập rồi bằm nhuyễn.
- Giá nhặt kỹ, ngâm qua nước muối loãng rồi rửa sạch, để ráo.
- Cà rốt rửa sạch, gọt bỏ vỏ rồi dùng một nửa bào mỏng, cắt thành sợi nhỏ. Nửa còn lại cắt thành những miếng vuông mỏng.
- Su hào, đu đủ đem gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng mỏng vuông như cà rốt rồi đem ngâm với nước đá lạnh cho tươi giòn. Sau đó vớt ra, để ráo.
- Hành tây lột vỏ, rửa sạch, cắt lát.
- Các loại rau thơm nhặt, rửa sạch, để ráo.
- Ớt rửa sạch, bằm nhuyễn
Làm nhân phở cuốn
Trải thịt bò lên thớt, dùng cán dao đập mỏng thịt. Sau đó rắc một chút nước hành tím băm và sả băm, nửa thìa cà phê muối, 1/3 thìa cà phê tiêu lên đều 2 mặt miếng thịt bò. Đem ướp khoảng 30 phút.
Ướp thịt bò
Bắc chảo lên bếp, cho vào 2 thìa canh dầu ăn rồi lần lượt cho thịt bò vào áp chảo cho săn lại thì vớt ra. Khi áp chảo bạn chú ý lật cho thịt chín đều.
Áp chảo thịt bò sau khi ướp
Cắt thịt bò vừa áp chảo thành sợi nhỏ dài, bề ngang khoảng 1cm.
Ướp giá, cà rốt, hành tây với 1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê tiêu khoảng 15 phút. Sau đó bắc chảo lên bếp, cho vào 1 thìa canh dầu ăn đun sôi thì cho hỗn hợp giá, cà rốt, hành tây vừa ướp vào xào chín thì cho ra dĩa.
Xào chín hành tây, giá và cà rốt
Pha nước chấm phở cuốn
Kiểu miền Nam
Lấy chén nhỏ, sau đó lần lượt cho vào: 50g tương Hoisin, 30g bơ đậu phộng, 20ml tương ớt, 200ml nước lọc và 3g hạt nêm. Sau đó trộn đều hỗn hợp trên.
Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 thìa canh dầu ăn đun sôi, tiếp tục cho 20g tỏi băm, 30g sả băm và 20g mè trắng vào xào thơm thì đổ hỗn hợp nước chấm trên vào, khuấy đều, đun sôi trên lửa nhỏ cho tới khi sền sệt thì tắt bếp. Dùng rây lược thô nước chấm cho mịn hơn.
Nước chấm phở cuốn kiểu miền Nam
Kiểu miền Bắc
Bắc nồi nhỏ hoặc chảo lên bếp, cho vào 200ml nước lọc, 30ml nước mắm ngon, 50ml giấm, 100g đường, 20g bột ngọt, trộn đều rồi đun sôi. Sau đó đổ ra chén, thêm vào: 20g tỏi băm, 20g ớt băm, cà rốt, đu đủ và su hào trộn đều.
Nước chấm phở cuốn kiểu miền Bắc
Cuốn phở
Dùng màng bọc thực phẩm lót trên thớt, sau đó bạn trải miếng phở cuốn rộng ra thớt, lần lượt xếp đầy đủ các loại rau sống vào, tiếp tục xếp các nguyên liệu phần nhân lên gồm: thịt bò, giá, cà rốt, hành tây đã xào chín, sau đó cuốn lại như cuốn nem cho thật chắc tay bằng cách: xoắn miếng màng bọc thực phẩm hai đầu cuốn lại cho chặt, sau đó gấp hai đầu xoắn lại và nắn cho miếng cuốn đều, đẹp, chắc rồi gỡ màng bọc ra.
Xếp đầy đủ nguyên liệu nhân lên rồi cuốn phở
Trình bày
Cắt phở cuốn thành những khúc ngắn vừa ăn và trình bày ra đĩa cho đẹp mắt. Dọn ăn kèm các loại nước chấm yêu thích tùy khẩu vị của mỗi người.
Cắt phở cuốn thành miếng vừa ăn và trình bày cho hấp dẫn
Chỉ với 5 bước cơ bản, bạn đã có thể hoàn thành món phở cuốn thơm ngon, bổ dưỡng để giúp cả nhà “đổi vị” và có một bữa ăn ngon miệng rồi.
Nếu muốn học thêm nhiều bí quyết và công thức món ăn ngon để kinh doanh hoặc chăm sóc gia đình, bạn có thể tham khảo ngay các khóa học nấu ăn ngắn hạn tại Hội Đầu Bếp hoặc điền thông tin tại form đăng ký để được tư vấn miễn phí nhé!
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/pho-cuon/
Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019
Hướng dẫn sơ chế mực, bạch tuộc và một số lưu ý khi ăn
Mực và bạch tuộc đều là những hải sản ngon, nướng, xào, chiên xù hay nấu lẩu đều tuyệt vời. Tuy nhiên nhìn mực hay bạch tuộc tươi sống vừa mua về, bạn có cảm thấy… hoang mang vì chưa biết bắt đầu từ đâu và sẽ xử lý chúng như thế nào? Hãy cùng học theo Hội Đầu Bếp Á Âu bạn nhé!
Bạch tuộc hay mực đều là những món ăn ngon được nhiều người yêu thích
Cách sơ chế mực
Điều kiện tiên quyết khi mua mực là phải chọn được mực tươi. Khi đó, việc sơ chế sẽ thuận lợi hơn và tất nhiên món ăn cũng hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh.
Tách phần râu, ruột ra khỏi thân
Để sơ chế sạch mực ống, bạn xả mực dưới vòi nước sạch trước. Sau đó, bạn túm chặt phần râu mực rồi kéo ra khỏi thân của con mực. Khi bạn kéo dứt khoát thì phần ruột, túi mực cũng sẽ bị kéo luôn ra ngoài. Phải cẩn thận ở bước này vì nếu sơ sảy làm cho túi mực bị vỡ thì mực sẽ bị đen và ăn bị đắng.
Trong trường hợp túi mực bị vỡ, bạn cẩn thận xối nước nhanh cho mực trôi đi và thực hiện tiếp những bước bên dưới.
Rút râu và ruột ra khỏi thân
Làm sạch bên trong ống mực
Sau khi lôi được ruột, túi mực, râu ra khỏi thân, bạn tiếp tục bóc hết phần xương sống mực ra. Xương sống mực là những mẩu xương to bản, màu trắng trong, có thể nhìn thấy được rất dễ dàng.
Tiếp tục dùng dao rạch một đường dọc trên mặt thân mực ra rồi trải mực ra. Cạo hết phần nội tạng còn sót lại ra và rửa sạch.
Bóc da mực
Bạn tiếp tục dùng dao khứa một đường trên lưng thân mực để tạo ra một lớp gờ, sau đó kéo mạnh phần da ra và bỏ đi. Cuối cùng, chúng ta chỉ việc bóp muối nhiều lần và rửa cho sạch mùi tanh nữa thôi.
Lột da mực
Cách xử lý bạch tuộc tươi
Bạch tuộc thường sẽ nặng và có nhiều xúc tu, phức tạp hơn so với mực. Tuy nhiên cách sơ chế, rửa qua thì cũng không khó hơn mực.
Khi cầm một con bạch tuộc trên tay, cần xác định được phần đầu với các xúc tu của chúng. Dùng dao cắt rời đầu ra (nếu nhỏ quá thì bạn chỉ cần khứa nhẹ).
Tách riêng phần đầu và các xúc tu ra để làm sạch
Sau đó, lận ngược đầu bạch tuộc ra để bỏ hết những thứ bên trong ra. Đem đi rửa sạch.
Cầm cả thân bạch tuộc lên. Đoạn đầu, phần giao giữa đầu với thân sẽ có một vật cứng, bạn lận thân mực và lấy vật cứng này ra. Đó chính là răng của chúng.
Đổ muối trực tiếp lên đầu và thân bạch tuộc, bóp thật nhiều lần cho đến khi nào hết nhớt thì thôi. Lúc đó, bạn mới cắt từng xúc tu ra (nếu bạch tuộc lớn) và đem đi rửa lại nhiều lần với nước sạch.
Những lưu ý đặc biệt phải nhớ khi ăn mực
Nói về độ ngon, mực rất ngon. Nhưng vì ngon quá mà “lỡ quên” tìm hiểu kỹ thì thật là không nên. Bạn có từng ăn mực và uống bia, cảm thấy vô cùng thoải mái? Thực ra đó chính là một trong những lưu ý không nên khi ăn mực đang bị rất nhiều người bỏ qua hoặc chưa biết đến.
Không nên ăn mực khi:
+ Bạn là người có bệnh về tim mạch: vì lượng cholesterol trong mực khá cao và những người mắc bệnh về tim mạch thì không nên ăn thực phẩm như thế.
+ Bạn là người có bệnh về dạ dày: mực có tính hàn và người mắc bệnh dạ dày cũng thường có thể trạng lạnh. Vì thế, ăn mực nhiều dễ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh nhiều hơn, không tốt cho bệnh tình.
+ Không ăn mực và uống bia: đây hoàn toàn là sự thật. Bởi lẽ sự kết hợp này sẽ dễ khiến chúng ta bị gout, sỏi, dị ứng hoặc ngứa.
Không nên ăn bạch tuộc sống, tái
Bạch tuộc sống là món ăn cực kỳ nổi tiếng ở đất nước kim chi Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu không quen, bạn có thể sẽ bị xúc tu quấn vào cuống họng gây ra khó thở. Ngoài ra, việc chế biến bạch tuộc chưa chín hẳn cũng gây ảnh hưởng ko tốt đến hệ tiêu hóa của bạn.
Ngoài ra, khi đi lựa chọn mực, bạn cần phải chú ý loại bỏ ngay những con mực có phần than dính màu xanh, có đốm. Đấy là những con mực cực kỳ độc. Độc tính của nó có tương tự như là cá nóc fugu của Nhật Bản, cực kỳ độc, nếu dính phải có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mực, bạch tuộc và hải sản nói chung đều là những thực phẩm khó xử lý trước khi đưa vào chế biến vì chúng có độ nhớt và mùi tanh. Vì thế cần phải rửa cực kỳ kỹ lưỡng. Chúc bạn sẽ có những bữa ăn ngon miệng nhé!
Tìm hiểu thêm các kiến thức về thịt bò nhé.
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/so-che-muc-bach-tuoc/
Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019
Đầu Bếp Võ Quốc
“Hãy quân tử với đam mê, cuộc đời sẽ quân tử với bạn”, “Chỉ có bản thân mới hiểu mình muốn gì”… là những câu nói mà Chef Võ Quốc xem như kim chỉ nam trên hành trình đến với nghề đầu bếp. Và cũng chính vì “quân tử”, chính vì “hiểu bản thân”, hành trình của anh dẫu nhiều chông gai nhưng cũng gặt hái được không ít thành công.
Chef Võ Quốc là một đầu bếp, food stylish, biên tập tạp chí ẩm thực
Cũng như rất nhiều bạn khác, anh Võ Quốc (Võ Đình Quốc) phải trải qua nhiều công việc, thậm chí vượt qua nhiều sự ngăn cản, nghi ngờ mới đến được với nghề đầu bếp. Thất bại 3 lần trước ngưỡng cửa đại học, sau đó có một bằng tại chức về Marketing, xin được một vị trí tốt trong ngân hàng lớn của thành phố… Đó là định hướng của gia đình. Còn với Võ Quốc, con đường anh chọn là giấu gia đình để học nghề, từ bỏ công việc ngân hàng và viết tạp chí ẩm thực, làm food stylish, tham dự những cuộc thi dành cho đầu bếp tại nước ngoài và chính thức trở thành đầu bếp nấu ăn cho rất nhiều chính khách trong – ngoài nước. Rất nhiều gian nan, rất nhiều thử thách, rất nhiều trở ngại. Song vì đam mê với nghề và biết rằng bản thân chỉ muốn sống cùng nghề, anh đã không từ bỏ.
Thành tự của Đầu bếp Võ Quốc
- Giải Vàng cuộc thi nghề châu Á (2001)
- Đại sứ Ẩm thực Việt Nam (2012) được trao tặng bởi Hiệp Hội Đầu Bếp Thế Giới bầu chọn và trao tặng danh hiệu
- Sáng lập tạp chí Món ngon Việt Nam.
Cảm hứng nấu ăn đến từ lần mẹ ốm
Một lần mẹ ốm và ba nấu cháo bị khét, mẹ Võ Quốc đã dạy cả nhà cách nấu cơm để chăm sóc bản thân và mọi người xung quanh. Có lẽ đó là những đốm lửa đầu tiên nhen nhóm trong anh tình yêu với công việc đầu bếp.
Sau này, những món cơm mẹ nấu, hình ảnh của mẹ, những đọt lang của mẹ nuôi 8 anh em khôn lớn, thành tài cũng chính là cảm hứng để anh đầu bếp trẻ quyết tâm hơn với lựa chọn của mình. Đôi khi, niềm yêu thích một ngành nghề xuất phát từ những điều tự nhiên và rất nhỏ như thế hoặc bị ảnh hưởng từ chính người thân, gia đình. Chỉ có điều, chúng ta có nhận ra hay không, và chúng ta có quyết tâm để thực hiện hay không.
Chef Võ Quốc có một niềm đam mê bất tận với nấu ăn
Lén học nghề và Giải vàng đầu tiên trên đất nước Thái Lan
Thời điểm quyết định chọn học nghề, Võ Quốc phải giấu gia đình, chỉ có chị hai là người ủng hộ. Bên cạnh đó, anh chia sẻ rằng bản thân cũng may mắn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có nữ đầu bếp nổi tiếng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân. Năm 2011, anh có cơ hội tham gia cuộc thi nghề châu Á tại Bắc Kinh và xuất sắc vượt qua các thí sinh đến từ 13 nước khác nhau để dành giải Vàng với món cơm chiên. Tuy nhiên sau đó, gia đình phát hiện và anh đành phải tạm gác lại giấc mơ của mình.
Nhưng với ngọn lửa chưa bao giờ tắt, Võ Quốc lại “làm nghề” bằng những công việc như Food Stylish, viết bài cho tạp chí ẩm thực. Chỉ một năm sau đó, anh tự thành lập công ty Món Ngon Việt Nam và chính thức bén duyên với con đường nghề bếp, xem đây như là một nghề để kiếm sống và gặt hái những thành tựu.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn phiền vì những cấm cản của gia đình. Bởi có thương mới có lo, mới sợ tôi chọn sai đường, rồi sau này phải khổ. Thế nhưng từ khi chọn nghề bếp tôi đã tự nhủ dù sau này có đi rửa chén, giao báo thì vẫn chấp nhận. Bản thân mình phải quân tử với lựa chọn của mình”, đầu bếp sinh năm 1980 bộc bạch.
Anh cũng là một đầu bếp khá quen với khán giả truyền hình
Nấu ăn cho chính khách
Nấu ăn cho chính khách là niềm vinh dự của bất cứ đầu bếp nào. Sau một thời gian làm việc với các đối tác nước ngoài, năm 2017, Võ Quốc có cơ hội được nấu món Việt để phục vụ khách mời tại hội nghị Yahoo tổ chức ở Singapore. Món bún bò của anh đã “lọt” tới cố thủ tướng Lý Quang Diệu và từ đó, anh có nhiều cơ hội để được nấu ăn cho các buổi tiệc của vị thủ tướng này.
Đó cũng là cơ duyên để sau này, Chef Võ Quốc trở thành đầu bếp chính trong việc đứng bếp chế biến các món ăn chiêu đãi chính khách của Chính phủ Việt Nam.
Từ đó, anh chính thức bước đi trên con đường của một đầu bếp chuyên nghiệp.
“Cái hay của ẩm thực là ẩm thực lúc nào cũng mới (hàng ngày đều có món mới, hành quy, khẩu vị, cách thưởng thức đều thay đổi theo thời gian, thay đổi theo ngoại cảnh)”, lời chia sẻ này của Chef Võ Quốc cũng cho thấy là một đầu bếp, mỗi người luôn phải nỗ lực để phát triển bản thân, theo đuổi kịp các xu hướng nấu ăn mới cũng như đáp ứng được nhu cầu của thực khách. Làm đầu bếp quan trọng nhất là biết nấu ăn ngon. Để nấu ăn ngon, phải cập nhật và rèn luyện không ngừng.
Giống như có ai đó từng nói, đại ý rằng hành trình đến thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng, người không dấn thân thì không để lại dấu chân. Nghề đầu bếp hay nghề nghiệp nào cũng như thế, muốn có thành tựu, phải cố gắng hết mình!
Xin cảm ơn anh Võ Quốc về câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình chinh phục nghề bếp. Xin chúc cho anh có thật nhiều sức khỏe và niềm cảm hứng để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời!
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/dau-bep-vo-quoc/
Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019
3 cách làm bạch tuộc nướng đậm đà khó cưỡng
Với cánh mày râu thì bạch tuộc nướng có lẽ là món nhậu khoái khẩu quen thuộc. Đây cũng là món ăn yêu thích của rất nhiều thực khách hiện nay. Nếu chưa biết cách chế biến bạch tuộc kiểu gì cho ngon thì những tuyệt chiêu làm bạch tuộc nướng dưới đây sẽ khiến bạn phải bất ngờ đấy!
Trong các món ăn ngon từ hải sản, không thể không nhắc tới các món ngon từ bạch tuộc. Các món chế biến từ bạch tuộc được nhiều người yêu thích vì tươi ngon, ít chất béo nhưng cũng rất dồi dào dưỡng chất cần thiết, bồi bổ thể lực rất tốt. Các món ăn từ bạch tuộc làm khá đơn giản và không tốn nhiều thời gian nhưng vẫn có hương vị lôi cuốn, hấp dẫn. Cùng xem ngay một số cách làm bạch tuộc nướng ngon khó cưỡng dưới đây để trổ tài nội trợ của bạn nhé!
Cách làm bạch tuộc nướng sa tế
Bạch tuộc nướng sa tế đậm đà khó cưỡng
Nguyên liệu làm bạch tuộc nướng sa tế:
- Bạch tuộc: 500g
- Sa tế: 30g
- Tương ớt: 15g
- Mật ong: 15ml
- Gia vị: muối, hạt nêm, bột ngọt, tiêu, dầu olive
Các bước chế biến bạch tuộc sa tế:
Sơ chế bạch tuộc
Bạch tuộc chọn những con còn tươi sống, làm sạch, rửa bằng nước muối loãng cho bớt tanh và nhớt, sau đó rửa lại với nước cho sạch rồi để ráo khô.
Ướp bạch tuộc
Cho bạch tuộc đã sơ chế vào thố, thêm: 30g sa tế, 15g tương ớt, 15ml mật ong, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm rồi trộn đều và ướp khoảng 30 phút đến 1 tiếng cho ngấm đều vị.
Nướng bạch tuộc với sa tế
Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa canh dầu olive rồi đun sôi thì cho bạch tuộc vào nướng. Liên tục lật trở bạch tuộc và quét nước ướp lên trong khi nướng cho bạch tuộc đậm đà vị, chín đều. Nếu có lò nướng, bạn để nhiệt độ lò ở 200 độ C rồi xếp bạch tuộc vào khay, cho vào lò nướng trong khoảng 10 – 15 phút. Khi ăn bạch tuộc nướng sa tế, bạn cuộn cùng rau sống, chấm với tương ớt hoặc muối tiêu chanh.
Cách làm bạch tuộc nướng muối ớt
Bạch tuộc nướng muối ớt thơm ngon
Nguyên liệu làm bạch tuộc nướng muối ớt:
- Bạch tuộc: 500g
- Ớt: 3 trái
- Gia vị: hạt nêm, muối hạt, dầu ăn, tiêu, ớt bột…..
- Rau răm, cà chua, chanh, dưa leo.
Cách làm bạch tuộc nướng muối ớt:
Sơ chế muối ớt
Ớt đem rửa sạch, sau đó tách bỏ hạt, xắt nhuyễn rồi cho vào cối. Cho 2 thìa canh muối hạt vào rồi dùng chày giã nhuyễn ớt cùng muối. Cho tiếp 1 thìa cà phê hạt nêm và ½ thà cà phê tiêu vào, trộn đều.
Sơ chế và ướp bạch tuộc
Bạch tuộc mua những con còn tươi sống, làm sạch rồi rửa với nước muối, sau đó rửa lại cho sạch rồi để ráo. Tiếp đó, cho bạch tuộc vào tô hoặc thố, trút toàn bộ muối ớt mới làm vào, trộn đều rồi để ướp bạch tuộc trong khoảng 10 phút đến 1 tiếng cho ngấm đều vị.
Nướng bạch tuộc muối ớt
Chuẩn bị lò nướng và xếp bạch tuộc ướp lên vỉ nướng. Khi nướng bạn lật trở bạch tuộc thường xuyên và quét nước ướp lên cho thịt bạch tuộc ngấm đậm vị, chín đều. Quan sát khi nào thấy bạch tuộc vàng đều, có mùi thơm là chín. Cắt bạch tuộc thành miếng vừa ăn, trình bày ra dĩa và ăn kèm với dưa leo, tương ớt…
Cách làm bạch tuộc nướng xốt cay theo phong cách Hàn Quốc
Bạch tuộc nướng xốt cay Hàn Quốc lôi cuốn
Nguyên liệu làm bạch tuộc xốt cay hàn quốc:
- Bạch tuộc: 500g
- Hành tây: 1 củ
- Sa tế: 2 thìa canh
- Dầu hào: 1 thìa canh
- Ớt bột: 2 thìa canh
- Nước tương: 4 thìa canh
- Xốt Mayonnaise: 2 thìa canh
- Tương ớt Hàn Quốc: 2 thìa canh
- Tiêu: 1 thìa cà phê
- Rau mùi: 100g
Cách làm bạch tuộc xốt cay hàn quốc:
Sơ chế nguyên liệu
Bạch tuộc mua những con còn tươi sống, làm sạch, để nguyên con rồi rửa với nước muối, sau đó rửa lại cho sạch rồi để ráo khô. Hành tây lột vỏ giả, rửa sạch, cắt lát mỏng. Rau mùi nhặt rửa sạch, để ráo nước.
Ướp bạch tuộc
Ướp bạch tuộc với: 1 thìa cà phê tiêu, 2 thìa canh sa tế, 1 thìa canh dầu hào, hành tây, 4 thìa canh nước tương, 2 thìa canh xốt mayonnaise, 2 thìa canh tương ớt Hàn Quốc, 2 thìa canh ớt bột. Trộn đều tất cả nguyên liệu rồi để ướp khoảng 40 phút đến 1 tiếng cho ngấm vị.
Nướng bạch tuộc
Xếp bạch tuộc đã ướp lên vỉ và nướng, đặt lên bếp than rồi trở đều tay đến khi bạch tuộc chín vàng, thơm. Lấy bạch tuộc ra cắt miếng vừa ăn rồi trình bày ra dĩa và trang trí thêm một ít rau mùi là hoàn thành.
Vậy là bạn vừa có thêm 3 cách làm bạch tuộc nướng thơm ngon khó cưỡng đang được ưa chuộng nhất hiện nay. Cách làm bạch tuộc nướng không quá khó, quan trọng nhất chính là khâu chọn bạch tuộc tươi sống và ướp gia vị sao cho vừa đủ, thấm đều thì món nướng sẽ ngon nhất. Chúc bạn thực hiện thành công!
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/3-cach-lam-bach-tuoc-nuong-dam-da-kho-cuong/
Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019
Những điều cần biết về Thịt Bò
Không cần bàn cãi, thịt bò chính là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất của mọi nền ẩm thực. Vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa làm được nhiều món ăn ngon, đó là những gì chúng ta có thể nhận định ngay về loại thực phẩm này. Thế nhưng, là đầu bếp hay thậm chí chỉ là một đầu bếp tại gia, những thông tin dưới đây về thịt bò chắc chắn đều cần thiết.
Beefsteak (bít tết) có lẽ là món ăn từ thịt bò nổi tiếng nhất thế giới
Chất dinh dưỡng có trong thịt bò
Trong thịt bò có chứa rất nhiều vitamin và các khoáng chất, trong đó đáng kể nhất phải nhắc đến protein và sắt.
+ Protein có cả trong các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật (đặc biệt là các loại đậu) và động vật. Tuy nhiên so với các thức ăn khác, thịt bò được chứng minh là có nhiều protein hơn cả, đến 30% hàm lượng protein trong tất cả các loại thịt. Với hàm lượng giàu có như thế, dễ hiểu vì sao trong chế độ ăn uống của người cần phục hồi sức khỏe hay vận động viên luôn ưu tiên cho thịt bò.
+ Sắt trong thịt bò là ở dạng Heme-Iron. Ngoài việc bổ sung khoáng chất sắt cho cơ thể thì loại chất này còn giúp cho chúng ta hấp thu sắt ở những thức ăn khác tốt hơn. Thậm chí, việc ăn thịt bò còn giúp trau dồi lượng sắt tốt hơn là uống thuốc bổ. Với tình trạng thiếu máu của rất nhiều người hiện nay thì bổ sung các món ăn có thịt bò chính là một biện pháp hiệu quả và an toàn.
Có rất nhiều dinh dưỡng trong thực phẩm này
Nên ăn bao nhiêu thịt bò mỗi ngày?
Ai cũng biết, thịt bò là nguồn thực phẩm tốt. Nó có tác dụng hỗ trợ cải thiện thiếu máu, tăng cơ bắp rất hiệu quả. Song, bạn đã từng nghe đến những căn bệnh như Alzheimer (mất trí nhớ), sán giải bò, sán lá gan hay thậm chí là nguy cơ cao mắc căn bệnh ung thư đại tràng? Khoa học đã chứng minh, ai cũng có khả năng mắc những căn bệnh này nếu tiêu thụ quá nhiều thịt bò.
Vậy, dùng thịt bò bao nhiêu mỗi ngày là đủ?
Câu trả lời chính là chúng ta chỉ nên tiêu thụ không quá 200gram thịt/ngày và tốt nhất là dưới 150gram/ngày, dù đó là bất cứ loại thịt nào. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chỉ nên ăn thịt đỏ (thịt gia súc) tối đa 3 ngày/tuần, còn lại là sử dụng thịt trắng (gia cầm hoặc cá, hải sản).
7 cấp độ chín khi chế biến thịt bò và thời gian chế biến
Không chỉ riêng gì beefsteak, thịt bò trong nhiều món ăn khác nhau cũng có các cấp độ chín khác nhau. Bạn đã từng nghe qua món ăn nào chỉ làm chín thịt bằng chanh hay thậm chí chỉ ướp muối và trộn với trứng gà chưa? Đó chính là cấp độ chín thấp nhất của thịt bò bò – chế biến không qua gia nhiệt.
+ Cấp 1 – Raw: sống hoàn toàn
+ Cấp 2 – Blue rare: chín 10%, thời gian áp chảo cho mỗi mặt thịt bò là 30s
+ Cấp 3 – Rare: chín 25%, thời gian áp chảo mỗi mặt là 60s
+ Cấp 4 – Medium rare: chín 50%, thời gian áp chảo mỗi mặt là 2 phút
+ Cấp 5 – Medium: chín 70%, thời gian áp chảo mỗi mặt là 3 phút
+ Cấp 6 – Medium well: chín 90%, thời gian áp chảo mỗi mặt là 4 phút
+ Cấp 7 – Well done: chín 100%, thời gian áp chảo mỗi mặt là 5 phút.
Các mức độ chín của thịt bò
Những thực phẩm không nấu cùng với thịt bò
Và đây chính là điều mà bạn nên khắc cốt ghi tâm để có một bữa ăn an toàn.
Nguyên tắc khi kết hợp các thực phẩm trong một món ăn hoặc giữa các món trong một bữa ăn là gì? Đó là không nấu chung những thực phẩm có cùng hàm lượng dinh dưỡng quá nhiều (dễ dẫn đến dư thừa), không nấu chung những thực phẩm có chứa các chất dễ phản ứng với nhau tạo thành các chất gây khó tiêu. Đối với thịt bò, bạn không nên ăn cùng với các thực phẩm như sau:
+ Lươn: gây khó tiêu
+ Hải sản: các chất phản ứng với nhau tạo kết tủa, cản trở sự hấp thu và tiêu hóa của cơ thể
+ Đậu nành: tăng nguy cơ gây ra bệnh gút
+ Hạt dẻ: làm cho thịt bò mất đi chất dinh dưỡng vốn có
+ Nước chè: dễ dẫn đến triệu chứng táo bón
+ Đậu đen: trong đậu đen cũng rất giàu sắt và bạn không nên kết hợp cả 2 thực phẩm cùng giàu sắt với nhau, sẽ gây ra phản ứng không tốt hoặc dẫn đến thừa chất trong cơ thể
+ Thịt heo: thịt bò có tính ôn, thịt heo có tính hàn. Sự kết hợp của 2 thực phẩm này làm cho các chất dinh dưỡng trong món ăn không còn hiệu quả cao nữa.
Các bộ phận của bò có thể nấu món gì ngon?
Đây cũng là phần quan trọng nên tìm hiểu. Bởi với mỗi món ăn, chúng ta nên chọn những bộ phận phù hợp để có được những món ăn ngon.
Các bộ phận ăn được lấy từ bò
+ Thịt cổ bò: ít mỡ, nhiều thớ, khá cứng và dai, thích hợp để nấu súp hoặc hầm thịt.
+ Thịt vai: mỡ vừa phải, nhiều thịt, thích hợp để làm món quay nướng hoặc beefsteak, nhúng lẩu cũng khá lý tưởng.
+ Thịt sườn: có nhiều vân mỡ nên dùng làm món nướng là lý tưởng, ngoài ra còn thái mỏng dùng để nhúng lẩu.
+ Thăn ngoại: nhiều mỡ, mềm, được xem là thịt ngon nhất của con bò và lý tưởng nhất chính là làm beefsteak.
+ Thăn nội: mỡ khá ít, mềm thịt, cũng phù hợp làm beefsteak.
+ Nạm: thịt nạm khá cứng, chủ yếu dùng để nướng hoặc xào, ở Việt Nam có món phở nạm cũng rất ngon.
+ Diềm thăn: khá nhiều mỡ nhưng lại khá cứng, phù hợp để nấu các món hầm.
+ Bắp bò: phần này thịt cứng, nhiều gân, hay được dùng để hầm cho nước dùng ngọt tự nhiên.
+ Thịt mông: Phần thịt mongo chủ yếu để nấu súp và hầm. Ở một số nước phương Tây, người ta thường thái mỏng phần thịt này để ăn tái hoặc ăn sống.
Thịt bò là một nguyên liệu khá đắt, giàu dinh dưỡng và nấu được nhiều món ngon. Hiểu về thịt bò không chỉ là biết các công thức nấu sao cho hấp dẫn mà còn là hiểu nguyên liệu đó tốt ra sao, nên chế biến như thế nào là tốt để đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất. Với một vài thông tin trên, hy vọng bạn đã có thêm một số kiến thức cơ bản về loại thực phẩm ngon và bổ này!
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/nhung-dieu-can-biet-ve-thit-bo/
Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019
Cá Chép Om Dưa
Nếu đi chợ mua cá chép và dưa chua thì bạn không nên bỏ qua món cá chép om dưa ngon cho những ngày mưa lạnh. Cách làm cá chép om dưa đơn giản, chính vì thế bạn hoàn toàn có thể thu được món ăn đưa cơm trong thời gian ngắn.
Cá chép được xem là quà tặng của thiên nhiên dành cho con người, là phương thuốc quý trong Đông y. Từ phần thịt cá, vây cá đến đầu cá đều có những giá trị dinh dưỡng nhất định tốt cho sức khỏe người ăn. Cá chép được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau như cháo cá chép, cá chép hấp, cá chép chiên… Trong đó, món cá chép om dưa là món ngon được rất nhiều người ưa chuộng sử dụng. Đặc biệt, cách làm cá chép om dưa ngon cũng đơn giản, dễ thực hiện.
Nguyên liệu thực hiện món cá chép nấu dưa chua
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 con cá chép
- 400g dưa chua
- 2 lạng thịt ba chỉ
- 3 quả cà chua
- 1 củ tỏi
- 1 mớ lá hành, thì là
- 2 củ hành khô
- 1 quả ớt sừng
- Một số loại gia vị khác: Dầu ăn, bột canh, tiêu xay, nước mắm, giấm bỗng, bột nghệ…
Hướng dẫn cách nấu cá chép om dưa
Bước 1: Sơ chế cá chép
Đầu tiên, bạn đánh vẩy cá chép mua về, moi bỏ phần ruột (để rút ngắn thời gian, bạn có thể mua cá làm sẵn tại chợ). Sau đó, bạn chà xát muối lên bề mặt thân cá, rửa lại nhiều lần với nước. Đây là mẹo đơn giản giúp cá chép hạn chế mùi tanh và sạch chất nhớt.
Lúc này, bạn dùng dao khứa vào đường trên mình cá để thịt cá dễ thấm gia vị. Bạn ướp cá bằng một ít tiêu xay, bột canh, trộn đều và để yên trong vòng khoảng 10 phút.
Khứa vài đường trên thân cá để thịt cá dễ dàng thấm gia vị hơn
Bước 2: Sơ chế các loại nguyên liệu khác
Tiếp đó, bạn rửa sạch dưa chua, vắt cho khô rồi để trên rổ cho ráo nước. Mẹo nhỏ trong cách làm cá chép om dưa ngon được nhiều người chia sẻ chính là giữ lại phần nước dưa chua thực hiện trong bước sau.
Sau đó, bạn bóc vỏ lần lượt tỏi, hành khô. Với hành lá, thì là, bạn nhặt bỏ gốc rễ, lá úa vàng, rửa sạch với nước muối pha loãng rồi cắt thành từng đoạn ngắn.
Tiếp theo, bạn rửa sạch ớt sừng, loại bỏ phần hạt bên trong, thái thành từng lát mỏng. Bạn rửa sạch cà chua với nước muối pha loãng, bổ múi cau. Đối với thịt ba chỉ, bạn chỉ cần rửa sạch và thái thành từng miếng vừa ăn là đã hoàn thành công đoạn sơ chế thực hiện món cá chép om dưa thịt ba chỉ.
Thịt ba chỉ là một thành phần không thể thiếu trong món cá chép om dưa
Bước 3: Rán cá chép
Tiếp đó, bạn bắc chảo dầu lên bếp đun nóng rồi bạn cho cá chép đã ướp vào rán vàng đều cả 2 mặt. Bước này sẽ giúp thịt cá trở nên săn chắc sẽ tránh trường hợp bị nát khi om.
Rán sơ cá chép vàng đều cả 2 mặt
Tiếp đến, bạn sử dụng chảo khác, cho thêm ít dầu bắt lên bếp đun sôi. Khi dầu nóng, bạn cho hành, tỏi vào phi thơm rồi cho cà chua vào xào để tạo màu bắt mắt cho món ăn. Trong quá trình xào cà chua, bạn có thể cho thêm một thìa nước vào để cà chua dễ chín và ra màu hơn.
Xào cà chua để tạo màu cho món ăn
Bước 4: Om dưa
Khi tạo thành phần nước xốt cà chua, bạn cho thịt ba chỉ vào xào đều. Đảo nhẹ khoảng 3 phút, bạn cho dưa chua cùng một ít nước dưa chua vào om. Sau đó, bạn tiến hành nêm nếm gia vị và om thêm một thời gian. Đến khi dưa mềm, bạn cho cá chép rán vào om trong vòng khoảng 15 phút.
Bước 5: Hoàn thành món ăn
Tiếp đến, bạn cho hành lá, thì là cắt khúc cho vào trong nồi để tăng thêm hương vị. Nhằm mục đích kích thích vị giác người ăn, bạn nên cho thêm một vài lát ớt thái mỏng, giấm bỗng và bột nghệ. Cuối cùng, bạn trình bày món ăn trên đĩa inox hoặc vẫn để trong nồi vừa đun vừa ăn.
Cá chép om dưa chua có hương vị thơm ngon cuốn hút người ăn
Bí quyết để có món cá chép om dưa ngon
Theo trong quá trình thực hiện cách làm cá chép om dưa ngon, nhiều người chia sẻ bí quyết để món ăn hấp dẫn:
Thứ nhất, rán sơ thịt ba chỉ để bớt mỡ rồi xào chung với dưa chua và thực hiện như trên. Cách này sẽ giúp món ăn bớt ngán.
Thứ hai, nếu không có giấm bỗng thì bạn có thể thay thế bằng mẻ.
Thứ ba, để cá ngấm đều gia vị, bạn nên lật nhẹ mặt cá. Tuy nhiên, bạn cần thật nhẹ nhàng để cá không bị nát.
Thứ tư, để món ăn thêm ngon miệng, bạn nên chuẩn bị thêm cơm nóng hoặc bún tươi và một ít rau sống ăn kèm.
Qua 5 bước thực hiện trên, bạn đã hoàn thành cách làm cá chép om dưa ngon, đơn giản tại nhà. Ngày mưa mà được thưởng thức cá chép nóng hổi hòa quyện đủ vị chua, cay, béo thì còn gì tuyệt vời hơn. Để biết thêm công thức chế biến nhiều món ngon khác từ cá chép, bạn có thể điền thông tin vào form bên dưới để có thể tham gia lớp học nấu ăn tại Hội Đầu Bếp Á Âu.
Chúc bạn chế biến thành công!
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/ca-chep-om-dua/
Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019
Rượu Vang
Là một đầu bếp chuyên nghiệp, học về rượu vang sẽ rất hữu ích cho quá trình chế biến cũng như phục vụ món ăn cho thực khách của bạn. Bởi lẽ, đây là loại đồ uống phổ biến được nhiều người trên khắp thế giới yêu thích. Sau mỗi chai rượu vang có muôn vàn kiến thức đầy bất ngờ và thú vị mà đầu bếp nào cũng cần biết để giúp ích cho sự nghiệp chảo – lửa của mình.
Rượu vang – loại đồ uống nổi tiếng trên thế giới.
Rượu vang là gì?
Rượu vang là một loại thức uống nổi tiếng trên thế giới. Chúng được tạo thành từ quá trình lên men nho để đường chuyển hóa thành cồn. Nếu độ cồn thấp, chúng ta sẽ thu được rượu vang. Nếu độ cồn cao, bạn sẽ có được rượu Cognac, Vodka, Gin… Rượu vang được làm 100% từ nước nho ép nguyên chất và không lẫn bất kỳ một thành phần nào khác. Trong quá trình lên men, lượng cồn không được vượt quá 16%. Khi độ cồn cao hơn mức này, tất cả men rượu sẽ chết và chấm dứt quá trình lên men.
Lịch sử hình thành và phát triển của rượu vang
Theo các nhà khảo cổ học, rượu vang gắn liền với nền văn minh cổ đại từ rất xa xưa. Người ta đã tìm thấy các di chỉ liên quan đến hoạt động trồng nho và sản xuất rượu vang cách đây 6000 năm trước tại vùng văn minh Lưỡng Hà.
Trong các tài liệu tham khảo về rượu vang cho biết, từ văn minh Ai Cập, Hy Lạp đến thời trung, cận đại, rượu vang luôn xuất hiện trong đời sống của người dân. Bắt đầu từ thế kỷ 17, 18, kỹ thuật trồng nho và làm rượu vang đã đạt đến trình độ cao, đồng thời tạo nên tên tuổi vang lừng cho các vùng Burgos, Bordeaux, Champagne… Đây cũng là khoảng thời gian mà rượu vang bắt đầu được bảo quản trong chai thủy tinh và đóng bằng nắp bần.
Rượu vang đã xuất hiện cách đây 6000 năm.
Rượu vang đến Việt Nam cùng các nhà truyền giáo phương Tây. Sau đó phát triển thịnh hành vào thời kỳ Pháp thuộc. Ngày nay, rượu vang được nhiều người Việt yêu thích và sử dụng tại gia đình, nhà hàng, khách sạn, những sự kiện quan trọng…
Các dòng rượu vang trên thế giới
Kiến thức rượu vang cho người mới bắt đầu chính là tìm hiểu về các dòng rượu vang nổi tiếng trên thế giới. Dưới đây sẽ là 5 dòng rượu vang hảo hạng, sản xuất với số lượng có hạn và thời gian ủ lên đến hàng chục năm.
Shipwrecked 1907 Heidsieck
Đây là rượu vang nổi tiếng được phát hiện vào năm 1997 trong một con tàu bị một tàu ngầm của Đức đánh chìm trong Thế chiến thứ nhất. Nằm sâu dưới đáy đại dương khá lâu nên cũng vì lẽ đó mà Shipwrecked 1907 Heidsieck có giá trị cao và hương vị vô cùng quyến rũ, giá của nó trong khoảng 275.000 USD
Pernod Ricard Perrier Jouet
Pernod Ricard Perrier Jouet luôn làm hài lòng những vị khách của mình dù là người khó tính. Dòng vang này được sản xuất từ nguyên liệu là loại nho hảo hạng, thu hoạch chính vụ. Thưởng thức Pernod Ricard Perrier Jouet, bạn sẽ cảm nhận được hương vị nồng nàn, lưu lại trong nhiều giờ sau đó. Trên thế giới chỉ sản xuất 12 chai trong dòng rượu vang này, cũng chính vì lẽ đó mà giá của chúng khá đắt đỏ, trong khoảng 50.000 USD.
Dom Perignon White Gold Jeroboam
Nếu ai yêu thích rượu vang chắc chắn sẽ cuồng si với Dom Perignon White Gold Jeroboam. Nó là loại vang sủi tăm và khiến bạn mê đắm ngay từ cái nhấp môi đầu tiên. Hương vị của dòng vang này sẽ lắng đọng nơi đầu lưỡi đưa bạn bay bổng trong thế giới riêng của mình. Chai rượu Dom Perignon White Gold Jeroboam được bán trong một cuộc đấu giá với số tiền 40.000 USD.
Krug 1928
Krug 1928 chiếm trọn trái tim người thưởng thức nhờ hương vị nhẹ nhàng, tinh tế, dễ chịu. Quá trình chưng cất dòng rượu này khá công phu. Người ta phải tuyển chọn những trái nho thuộc loại hảo nhất từ trước cho đến nay. Thuộc dòng vang sủi, sản xuất lần đầu tiên vào năm 1938 và không ngừng cải tiến trong chất lượng. Giá của chúng nằm ở mức 21.000 USD.
Krug 1928 với hương vị nhẹ nhàng, tinh tế
Cristal Brut 1990
Cristal Brut 1990 mang hương vị thanh nhã và thực sự lay động lòng người. Các nhà sản xuất cũng không quên đầu tư cho thiết kế bên ngoài của sản phẩm với phong cách cổ điển, quý phái bằng nhãn vàng, tạo nên một sự khác biệt về đẳng cấp. Chỉ sản xuất với số lượng có hạn, Cristal Brut 1990 có mức giá cao với 17.625 USD.
Cách phân biệt rượu vang
Dựa vào đặc tính của rượu vang mà người ta chia chúng thành các loại, các dòng… khác nhau.
Theo nồng độ cồn
Vang tự nhiên có độ cồn dưới 15% bao gồm 3 loại thường gặp: light bodied (8 – 10,5%), medium bodied (11 – 12,5%), full bodied (13 – 15%).
Vang cường hóa có nồng độ cồn 16 – 21%.
Theo màu sắc
Rượu vang trắng (White wine): Làm từ các loại nho có vỏ vàng hoặc xanh là phổ biến nhất.
Rượu vang đỏ (Red wine): Làm từ nho đỏ.
Rượu vang hồng (Rose wine): Quá trình sản xuất giống như vang đỏ nhưng thời gian ngâm nước cốt nho với vỏ nho ngắn hơn (nhiều nhất 2 ngày).
Phân theo màu sắc rượu vang có 3 loại. Ảnh: Internet
Theo độ đường
Vang ngọt (sweet wine) có độ đường cao.
Vang có độ ngọt trung bình (medium sweet) có độ ngọt vừa phải.
Vang khô (dry wine) lượng đường rất ít chỉ dao động trong khoảng 0 – 4g/lít.
Theo độ bọt
Rượu vang thường (still wine) không chứa CO2 hoặc không sủi bọt.
Vang sủi bọt (sparkling wine) được lên men 2 lần nhằm tạo ra CO2 tự nhiên.
Theo tiêu chuẩn chất lượng
Mỗi một quốc gia sản xuất rượu vang sẽ có những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau cho chất lượng rượu vang.
Đối với vang Pháp, tiêu chuẩn được đánh giá bởi I.N.A.O (L’Institut National des Appellations d’Origine) và có 4 loại như sau:
A.O.C (Appellation d’origine contrôlée): Vang chất lượng cao, có tên gọi nguồn gốc xuất xứ đã được kiểm tra. Đây là loại vang được xếp loại cao nhất ở Pháp. Quy trình sản xuất loại vang này phải tuân theo những nguyên tắc rất chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng và tính xác thật của sản phẩm dựa trên xuất xứ của vùng sản xuất.
V.D.Q.S (Vin Délimité de Qualité Supérieure): Vang chất lượng cao được ấn định phạm vi sản xuất, loại vang này có các quy chế gần giống như vang A.O.C nhưng ít nghiêm ngặt hơn, vì vậy danh tiếng của loại vang này cũng kém hơn loại vang A.O.C.
Vin de pays: Vang của vùng, được xếp vào loại vang uống thông dụng, nhưng loại vang này khác với loại vang uống thông dụng vì nó có nguồn gốc địa lý rõ ràng, chỉ được pha trộn từ 1 vùng sản xuất duy nhất, có thể là: Vang của khu vực, vang của tỉnh…
Vin de table: Vang uống thông dụng, là rượu vang có tiêu chuẩn tối thiểu để có thể uống được.
Đối với Vang Ý cũng được chia thành 4 loại là:
DOCG (Denominazione di Origine Controllata Garantita): Rượu vang chất lượng tuyệt hảo.
DOC (Denominazione di Origine Controllata): Rượu vang có nguồn gốc được xác định.
IGT (Indicazione Geografica Tipica): Rượu vang vùng.
VDT (Vino da Tavola): Rượu vang bàn.
Vang của phần lớn các quốc gia khác (New world wine), thông thường được chia làm 2 loại: V.Q.P.R.D (Vin de qualité produit dans une région déterminée) là vang cao cấp và VINS DE TABLE là vang thông dụng.
Các món ăn được kết hợp cùng với rượu vang
Salad thường được kết hợp với các dòng vang trắng.
Súp thường được kết hợp với các loại vang sủi bọt.
Gan ngỗng sẽ thích hợp với các dòng vang sủi.
Trứng cá hồi cũng sẽ được kết hợp với vang sủi.
Cá hồi có thể kết hợp với rượu vang trắng hoặc sủi bọt.
Tôm, cua sẽ thêm tuyệt vời khi dùng kèm với các loại vang có độ nặng trung bình, khô và độ axit cao.
Hàu sẽ rất hợp với rượu vang trắng hoặc các dòng vang làm từ giống nho trắng vùng Champagne, Pháp.
Thịt heo hoặc thịt bê được chế biến bằng phương pháp nướng, chiên, ăn kèm với xốt đều rất thích hợp dùng chung với các loại vang đỏ có độ axit cao hoặc vang sủi.
Thịt gà chiên hoặc nướng cần kết hợp với các loại rượu vang đỏ nặng trung bình.
Thịt vịt sẽ phù hợp với các dòng vang đỏ.
Beefsteak sẽ vô cùng hoàn hảo nếu được dùng kèm với rượu vang đỏ loại nặng (full bodied)
Beefsteak thường được phục vụ cùng rượu vang đỏ.
Món bò hầm có sử dụng súp nền là rượu vang thì nên dùng kèm với loại rượu vang đỏ, thông thường sẽ là vang đỏ có độ nặng vừa.
Thịt cừu rất thích hợp khi dùng chung với các dòng vang đỏ làm từ giống nho Pinot Noir trồng tại Pháp và Mỹ.
Các loại bánh (cake, gateaux, pudding, pastries) không yêu cầu bắt buộc phải dùng chung với rượu vang. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kết hợp với một số loại vang ngọt sủi bọt.
Kem vani có thể dùng cùng với dòng vang trắng ngọt…
Cung cách phục vụ và thưởng thức rượu vang
Nhiệt độ tiêu chuẩn khi phục vụ rượu vang: vang sủi bọt (4.5 – 7.0 độ C), vang trắng tráng miệng (5.0 – 7.0 độ C), vang trắng khô (7.0 – 10.0 độ C), vang hồng và vang đỏ nhẹ (10.0 – 12.5 độ C), vang đỏ trung bình (12.5 – 15.5 độ C), vang đỏ trưởng thành (15.5 – 18.0 độ C).
Về quy trình phục vụ rượu vang:
- Nhận yêu cầu từ khách.
- Liên hệ với nhân viên pha chế để lấy đúng loại rượu mà khách muốn.
- Đem rượu đến bàn khách, giới thiệu loại rượu khách yêu cầu và xác nhận thông tin về rượu với khách. Bạn nên hướng nhãn chai trực diện với khách.
- Xin phép khách mở rượu, sau khi khách đồng ý, nhân viên phục vụ bắt đầu khui rượu. Khui rượu tại bàn đối với rượu vang đỏ hoặc trong xô ướp đá với rượu vang trắng, hồng, sủi bọt.
- Dùng dụng cụ khui để mở nắp bần. Giới thiệu nút bần và đưa khách xác nhận nút bần.
- Dùng khăn lau sạch miệng chai.
- Xin phép rót cho khách dùng thử (30 – 45ml).
- Chờ thông tin xác nhận từ khách xem rượu có ổn không, xin ý kiến và bắt đầu phục vụ.
- Nếu khách đã đồng ý, bắt đầu rót cho khách dùng. Rót cho khách nữ trước, theo chiều kim đồng hồ, khách yêu cầu chai rượu vang đó sẽ rót sau cùng. Lượng rượu rót phụ thuộc vào số lượng khách và số lượng rượu mà khách yêu cầu, có thể hỏi ý kiến khách.
- Đặt chai rượu vang rót còn dư lên bàn (rượu vang đỏ) hoặc vào xô đá ướp (rượu vang trắng, hồng, sủi bọt), chúc khách dùng ngon miệng. Cuối cùng, quay về khu vực phục vụ để quan sát khách và hỗ trợ khi cần.
Phục vụ rượu vang cho khách hàng có rất nhiều bước khác nhau
Rượu vang chính là món quà mà thượng đế đã ban tặng cho nhân loại. Là một đầu bếp, những kiến thức về rượu vang trên đây sẽ phần nào giúp bạn ứng dụng vào công việc thực tiễn và phục vụ khách hàng của mình một cách tốt nhất. Nếu muốn có thêm kiến thức thực tiễn về rượu vang, bạn đừng ngần ngại hãy điền ngay vào form bên dưới để được Hội Đầu Bếp Á Âu tư vấn chi tiết hơn về chương trình học cùng chuyên gia.
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/ruou-vang/
Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019
Đầu bếp chuyên nghiệp – Sách hay dành cho Đầu Bếp
“Các đầu bếp trẻ đừng lấy làm ngạc nhiên, tôi muốn bạn biết những điều này để xác định rõ tinh thần trước khi lật sang trang thứ hai của cuốn sách và sẽ không còn hối hận vì những gì mình đã lựa chọn, hoặc giả bạn có quyết định dừng lại thì vẫn còn kịp, chưa muộn đâu. Cuốn sách này có những điều mà bạn có thể chưa bao giờ được học ở trường nhưng nó có ích về cơ bản từ lý thuyết nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến phong cách làm việc và lối sống của một đầu bếp chuyên nghiệp. Chúc các bạn thành công và tôi mong rằng sẽ không có ai từ bỏ “cuộc vui” quá sớm”. Đó là một phần của lời tâm sự của chính tác giả cuốn sách Chef – Đầu bếp chuyên nghiệp trong Lời ngỏ mở đầu.
Hai cuốn sách rất nổi tiếng của Chef Hungazit Nguyen
Vài nét về Chef Hungazit Nguyen
Tôi tin rằng nếu bạn là một người thực sự yêu và thích khám phá về thế giới của nghề bếp chuyên nghiệp thì đã ít nhất một lần từng nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Mạnh Hùng. Hoặc nếu là một người đang ở những bước đầu đến với nghề, tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu về đầu bếp thú vị này.
Chef Nguyễn Mạnh Hùng (Hungazit Nguyen) là Giảng viên của trường ẩm thực Hanoi Cooking Centre, từng làm đầu bếp tại khách sạn JW Marriot Hà Nội, làm việc tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Ý và đã từng có thời gian thử sức tại nhà hàng French Grill cùng những đầu bếp nổi tiếng như Raphael, Bếp trưởng tại Nhà hàng Cuốn n Roll và cũng là người sáng lập Hội Đầu Bếp Hà Nội…
Về sự nghiệp viết sách, đầu bếp sinh năm 1983 là tác giả của những cuốn sách rất nổi tiếng trong giới đầu bếp như: Trái tim của Chef, Chef – Đầu bếp chuyên nghiệp, Cỗ nhà nông.
Chef Hungazit Nguyen
Và lý do vì sao bạn cần có Chef – Đầu bếp chuyên nghiệp
Một đầu bếp luôn cần có vài cuốn sách nghề bếp trong tay. Nếu như tất cả những gì bạn muốn tìm tòi là thế giới của một đầu bếp ở nơi làm việc như thế nào? Các đầu bếp cần phải làm gì để chống chọi với sự khắc nghiệt trong nghề nghiệp của mình? Điều gì mà bạn nên để ý trong căn bếp? Và tất nhiên, bạn có muốn học thêm những công thức món Âu mới hay không? Nếu đã là những suy tư của bạn về một cuốn sách dành cho đầu bếp, vậy tôi khuyên bạn, hãy mang cuốn Chef – Đầu bếp chuyên nghiệp về nhà và đọc nhanh nhất có thể, sau đó sẽ chiêm nghiệm và thực hành sau.
Sách mở đầu bằng những lời tâm sự thẳng thắn nhưng thực tế của chính tác giả sau khoảng thời gian dài gắn bó với công việc đầu bếp. Tiếp sau đó là lời khuyên của những Chef nổi tiếng trên thế giới dành cho các bạn trẻ đang theo đuổi con đường này. “Môi trường đầy áp lực và đòi hỏi kiến thức chuyên môn, tinh thần thép và sức khỏe của một siêu nhân”, “hãy dẹp cái chuyên đàn ông hay phụ nữa vào bếp”, “phải mất nhiều cống hiến để lên được tới đỉnh cao của nghệ thuật làm bếp”, “đạo đức nghề nghiệp và thái độ làm việc là tất cả những gì cậu cần”… Những lời khuyên đó, tôi tin rằng, sẽ phần nào thúc đẩy tinh thần quyết liệt với nghề trong lòng các bạn.
Cuốn sách là lựa chọn lý tưởng vì ở đó, bạn cũng có thể học thêm những cơ sở lý thuyết cực hay mà một đầu bếp chuyên nghiệp cần phải biết. Chẳng hạn như hiểu cơ bản về dinh dưỡng, khoa học ẩm thực, an toàn thực phẩm, hiểu về các công – dụng cụ trong bếp chuyên nghiệp…
Và tất nhiên, như bao nhiêu cuốn sách nấu ăn khác, đây là một tài liệu bổ ích để bạn học thêm gần 100 công thức , chủ yếu là về ẩm thực phương Tây. Các món ăn đa dạng từ nước dùng – sốt – súp đến các món lạnh, pasta, bánh mì, snack, tráng miệng…
Một cuốn sách hay sẽ gợi được cảm hứng, tôi tin là như vậy. Mong rằng Chef – Đầu bếp chuyên nghiệp là một cuốn sách hay đối với riêng bạn, để từ đây, bạn sẽ thêm hiểu và thêm yêu nghề nghiệp của mình.
from Hội Đầu Bếp Á Âu https://www.hoidaubepaau.com/dau-bep-chuyen-nghiep-sach-hay-danh-cho-dau-bep/
Bỏ túi cách làm rau muống xào tỏi tươi xanh, giòn ngon tại nhà
Là món ăn quen thuộc tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm rau muống xào tỏi tươi xanh, giòn ngon ngay tại nhà. Bài viết dưới đây, Hội ...
-
Nếu đôi khi bạn cảm thấy những món bánh mì kẹp thịt, bánh mì sữa không còn hấp dẫn hay đã quá quen thuộc thì bánh mì bơ tỏi sẽ là một gợi ý ...
-
Khi chúng ta đã ngán ngẩm với những món ăn từ thịt cá thì món trái cây đút lò xốt Sabayon sẽ là lựa chọn hấp dẫn. Món ăn có cách thực hiện đ...