Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Cơm Gà Tam Kỳ

Còn gì thú vị hơn khi vào dịp cuối tuần, cả nhà quây quần bên nhau, cùng vào bếp thực hiện và thưởng thức món ăn đặc sản – cơm gà Tam Kỳ.

Cơm gà Tam Kỳ là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam với sự kết hợp của những nguyên liệu bình dân nhưng lại tạo nên một món ăn hết sức độc đáo. Cơm gà Tam Kỳ thu hút thực khách từ cái nhìn đầu tiên bởi hình thức được bày trí bắt mắt; những hạt cơm vàng óng, thơm mềm, bùi bùi ăn cùng với thịt gà ta dai ngọt và nước mắm chua ngọt hấp dẫn. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn công thức làm cơm gà Tam Kỳ thơm ngon, chuẩn vị.

Cơm gà Tam Kỳ

Cơm gà Tam Kỳ là món ăn được nhiều người yêu thích

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Gạo tám thơm: ½ lon
  • Gà ta: 1 con nặng khoảng 1 kg
  • Gừng tươi: 1 nhánh nhỏ
  • Bột nghệ: 1 thìa cà phê
  • Bơ: 2 thìa cà phê, hoặc bạn có thể thay thế bằng mỡ gà hoặc dầu ăn
  • Tỏi: 1/2 củ
  • Chanh: 1 – 2 trái
  • Rau ăn kèm: dưa leo, hành tây, rau mùi, rau răm
  • Các gia vị nêm nếm: đường, nước mắm…

Khi chọn nguyên liệu làm cơm gà Tam Kỳ, bạn lưu ý nên chọn gạo tám thơm vì loại gạo này có hạt mẩy, khi nấu cơm thơm phức và dẻo, để nguội ăn vẫn rất ngon. Gà nên chọn gà ta vì thịt gà ta dai, ngọt; kích thước gà khoảng 1 – 1,5 kg là vừa, chọn gà non hoặc già quá thịt không ngon.

Cách làm cơm gà Tam Kỳ thơm ngon hấp dẫn

Sơ chế nguyên liệu
– Thịt gà mua về làm sạch, để ráo nước.
– Gạo vo sạch, để ráo.
– Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái mỏng rồi đem chần sơ qua nước sôi để hành bớt bị hăng. Sau khi vớt ra bạn cho vào tô nước đá để giữ được độ giòn.
– Dưa leo rửa sạch, thái mỏng.
– Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhuyễn.
– Rau răm, rau mùi nhặt gốc, rửa sạch, cắt khúc.
– Gừng tươi cạo sạch vỏ.

Các bước chế biến

Bước 1. Luộc gà.
Bạn cho gà vào nồi với một nhánh gừng và chút muối, đổ nước ngập gà rồi bắc lên bếp nấu. Khi luộc, bạn nên giữ lửa và canh cho gà vừa chín tới, nếu luộc lâu quá thì thịt gà bị mềm, không ngon. Bạn có thể dùng cây tăm chích vào gà kể kiểm tra, nếu tăm có dính máu đỏ là chưa chín, nếu chích vào thấy gà mềm, không có máu thì thịt đã chín. Tắt bếp, vớt gà ra ngoài.

Luộc gà đúng chuẩn

Luộc gà phải có bí quyết để giữ được thịt gà dai, ngọt

Bước 2. Nấu cơm.
– Cho bơ hoặc dầu ăn, mỡ gà vào chảo nóng, phi thơm tỏi băm rồi tắt bếp.
– Cho phần gạo đã vo sẵn vào nồi nấu cơm, đổ hỗn hợp tỏi phi vào đảo đều trong vài phút để gạo ngấm bơ tỏi, có mùi thơm béo và hạt cơm bóng bẩy.
– Đổ nước luộc gà vào nồi và nấu cơm như bình thường. Một trong những bí quyết tạo nên món cơm gà Tam Kỳ ngon chính là dùng nước luộc gà nấu cơm để cơm ngọt và có mùi hấp dẫn. Thêm bột nghệ vào để cơm có màu vàng bắt mắt.

Bước 3. Pha nước mắm chua ngọt
Tỏi khô đập dập, băm nhỏ cùng 1 – 2 trái ớt (tùy khẩu vị cay của bạn), cho nước mắm ngon vào, pha thêm chút nước sôi để nguội, thêm đường và vắt nước cốt chanh, khuấy đều.
Nước mắm này bạn chia thành hai phần, một phần trộn gà và một phần ăn kèm với cơm.

Bước 4. Xé gà.
– Gà luộc sau khi nguội bạn lọc lấy thịt và xé nhỏ vừa ăn.
– Trộn thịt gà xé nhỏ với hành tây, rau răm, rau mùi và một phần nước mắm chua ngọt cho vừa ăn.

Bước 5. Bày trí món ăn.
– Dùng một cái đĩa lớn màu trắng để bày trí món ăn.
– Bạn lấy cơm vào một cái chén, nén cơm xuống để tạo hình đẹp mắt rồi úp vào một bên trên đĩa.
– Cho thịt gà trộn vào bên còn lại, rắc thêm chút hành phi, trang trí dưa leo xung quanh cùng với rau thơm, ớt tỉa hoa… tùy ý. Bên cạnh là chén nước mắm chua ngọt.

Món cơm gà Tam Kỳ là một bản tấu hài hòa giữa màu sắc và hương vị. Từng hạt cơm bóng bẩy, mềm dẻo thơm vị bơ, mang vị ngọt của nước dùng gà, ăn cơm không cũng đã ngon lại còn kết hợp với thịt gà dai ngọt, rau củ giòn tươi thanh mát thì không chê vào đâu được.

Chúc bạn thực hiện thành công món ăn này nhé!

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Bruschetta – Món khai vị ngọt ngào từ nước Ý

Một câu chuyện sẽ đẹp hơn nếu có một khởi đầu đẹp. Tinh tế, đắm say, nồng nàn, ấm áp – bạn nghĩ tôi sẽ tiếp tục kể về cuộc hẹn của đôi trai gái? Có thể lắm chứ. Nhưng hôm nay, tôi lại muốn nói về Bruschetta – Kẻ mở lối ngọt ngào cho một buổi hẹn hò.

Người ta thường ví nước Ý như một bản tình ca được dạo lên bởi những kẻ đang yêu quả không sai. Người Ý rất mê nghệ thuật và chừng như bao nhiêu sáng tạo, say mê, bao nhiêu cái hay, cái đẹp, người Ý đều dành hết cho nghệ thuật mà đặc biệt là cho ẩm thực. Với họ, ẩm thực không chỉ là những món ăn mà còn là câu chuyện về lịch sử, văn hóa, về phong cách sống và cũng là cách để người ta trao – nhận những yêu thương.

Bruschetta món khai vị ý

Bruchestta lừng danh – món khai vị ngọt ngào như một bản tình ca nước Ý.

Tôi có may mắn được thưởng qua Bruchestta lừng danh của đất nước hình chiếc ủng. Thật kì lạ! Chỉ một miếng bánh mì cầm tay sao lại có thể mê hoặc lòng ta đến vậy? Sau này, khi có dịp trò chuyện cùng cô bạn người Ý sang du lịch tại Việt Nam và đọc qua một vài cuốn sách về đất nước này, tôi mới hiểu vì sao mình lại dễ dàng bị Bruschetta đánh gục như thế.

Bruschetta là món khai vị Âu đã có cách đây hơn 5 thế kỉ và luôn được xem là một trong những món ăn ngon nhất tại Italia. Thay vì ăn cho xong hoặc ăn để lấp đầy cái bụng rỗng như nhiều người phương Tây khác trong buổi tối vội vã giữa cuộc sống bận rộn, người Ý bao giờ cũng thật chậm rãi. Nhâm nhi Bruschetta cùng chút rượu vang, họ bắt đầu câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn của mình.

Miếng bánh mì nướng vàng giòn tan trong miệng hòa cùng vị tươi mát của cà chua, chút ngọt ngào của pho mát cùng vẻ bóng bẩy của dầu oliu được phết lên luôn có sức hấp dẫn với mỗi thực khách… Khoan hãy nói đến việc vì sao đầu bếp có thể làm nên một món ăn nổi danh lừng lẫy chỉ từ những nguyên liệu như thế. Ở đây, tôi chỉ muốn chú trọng đến tinh thần của món ăn. Chắc có lẽ bạn sẽ khó hiểu rằng vì sao tôi nói quá nhiều về Bruschetta? Và món ăn này thể hiện được điều gì? Đừng vội vàng bởi ta hãy thưởng thức nó như cách mà người Ý thưởng thức – từ tốn và chậm rãi. Bạn biết không, Bruschetta lừng danh bởi lẽ nó đồng điệu tâm hồn với con người ở xứ sở đã sản sinh ra mình. Chính cái giòn tan hòa quyện, cái ngọt ngào nóng bỏng, cái tươi mát nhẹ nhàng, thêm cái men say nhè nhẹ khi nhấp cùng rượu kia là toàn bộ tính cách của người Ý khi yêu. Ngày hôm nay chẳng cần biết cuộc sống ngoài kia đã xảy ra bao nhiêu chuyện, cũng chẳng cần biết ngày mai họ có tiếp tục đi cùng một con đường nữa hay không; chỉ cần biết hôm nay, họ đã ở đây với nhau để thưởng thức món khai vị tuyệt hảo và chuốc một tí men bên âm nhạc – như thế là đã đủ để nói cho nhau nghe những yêu thương trong lòng.

món bruschetta của Ý

Vỏ bánh mì giòn rụm, phần nguyên liệu hấp dẫn, đậm đà
như một bản nhạc trữ tình lôi cuốn.

Không những ngọt và say, Burchestta còn là sợi dây kết nối. Thuở trước, chính những người nông dân nghèo đã “thổi hồn” vào những miếng bánh mì vốn khô khốc và sáng tạo thành một món ăn. Về sau, những “nghệ sĩ dao thớt” đã biến nó thành món khai vị Bruschetta nổi tiếng khắp thế giới. Người giàu hay nghèo, người nhiều tiền hay ít của… đều có thể dùng Bruschetta trong bữa ăn của mình. Vì thế, bánh mì nướng cầm tay của người Ý không chỉ dẫn ta vào buổi hẹn yêu đương nhiều cảm xúc mà còn mang ý nghĩa xóa nhòa mọi khoảng cách, đem những trái tim đến gần, thổn thức và hoà nhịp cùng nhau.

Nếu bạn nghĩ rằng cuộc sống đang trở nên quá khô khan hay con người đang dần lạnh nhạt, tôi có thể không ở cạnh bạn để tâm sự, nhưng tôi khuyên bạn hãy một lần thưởng qua món ăn của người Ý hoặc ít nhất, hãy đọc một cuốn sách nào đó về ẩm thực nước Ý. Tin tôi đi. Vì bởi lẽ, ẩm thực không chỉ là món ăn. Nói như người Ý, nó là nghệ thuật, là sợi dây gắn kết và đồng điệu những tâm hồn – như cái cách mà Bruschetta đã làm để kết nối và níu kéo những con người hiện đại có thời gian được ngồi lại gần nhau hơn.

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Giữ an toàn lao động trong bếp

Làm thế nào để giữ an toàn lao động trong bếp là những kiến thức không chỉ dành cho những người đầu bếp mà ai cũng cần phải biết để bảo vệ chính mình và người xung quanh.

Gian bếp là nơi giữ lửa gia đình với những bữa ăn thân mật, đầm ấm nhưng đồng thời cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì vậy, tất cả những người nội trợ, đặc biệt là người đầu bếp (tiếp xúc và làm việc thường xuyên trong nhà bếp) cần nắm rõ và tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn trong bếp để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Dưới đây là những tai nạn thường xảy ra trong nhà bếp, nguyên nhân và cách phòng tránh tốt nhất mà bạn nên biết:

Cháy nổ trong nhà bếp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ trong nhà bếp, chủ yếu là do người nấu bỏ quên lửa khi đang nấu hoặc các chất dầu, mỡ, hóa chất bén lửa gây cháy. Một tai nạn rất nguy hiểm có thể xảy ra là nổ khí ga do dây dẫn ga bị rò rỉ, khóa ga sau khi nấu sai quy trình, van lỏng…

quên tắt bếp sẽ rất nguy hiểm

Quên tắt bếp khi đang nấu là điều thường xuyên xảy ra do mải mê làm việc khác

Bạn nên:
– Sử dụng bình ga, bếp ga của các thương hiệu uy tín. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ và kiểm tra để phát hiện kịp thời các trục trặc nếu có.
– Luôn có mặt trong bếp khi đang nấu thức ăn.
– Đặt những đồ dùng dễ bắt lửa xa bếp nấu, đặc biệt là các loại dầu mỡ, hóa chất, bột.
– Luôn có bình chữa cháy trong bếp. Nếu có đám cháy hãy nhanh chóng tắt bếp. Trong trường hợp không kiểm soát được, bạn nên chạy ra ngoài và gọi cứu hỏa.

Bị bỏng khi nấu ăn

Đôi khi bạn có thể vô tình dùng tay không bắc nồi xuống khỏi bếp, mở vung nồi đang nấu để nêm nếm hay lấy thức ăn từ trong lò vi sóng ra hoặc không may bị dầu nóng văng lên. Điều này sẽ khiến bạn bị bỏng tay và theo phản ứng sẽ buông tay ngay lập tức, dẫn đến việc đổ vỡ đồ dùng và thức ăn nóng, có thể gây bỏng nghiêm trọng ở những bộ phận khác của cơ thể.

Bạn nên:
– Thận trọng khi nấu ăn.
– Trang bị đầy đủ khăn, giẻ, miếng bắc nồi dày, đặt ở những vị trí dễ quan sát khi sử dụng bếp ga hoặc lò vi sóng. Không nên dùng khăn giấy bắc nồi vì có thể bén lửa gây cháy.

Các chấn thương do dụng cụ nhà bếp gây nên

Khi sơ chế hay chế biến món ăn, bạn có thể vô tình bị các dụng cụ sắc như dao, kéo làm đứt tay, chảy máu.

hạn chế rủi ro từ các dụng cụ nhà bếp

Các dụng cụ sắc bén giúp quá trình chế miến món ăn
dễ dàng hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bạn nên:
– Cẩn thận khi sử dụng các dụng cụ nhà bếp dễ gây tổn thương như dao, kéo, máy cắt…
– Đựng dao, kéo trong các ống đựng dao chuyên dụng, để gọn gàng một chỗ, không đặt dao lung tung trên kệ bếp.

Các dụng cụ nhà bếp như ly, cốc thủy tinh, chén bát bằng sành sứ khi sứt mẻ hoặc đổ vỡ có thể gây tổn thương. Bạn nên:
– Sắp xếp các đồ vật, dụng cụ dễ vỡ một cách gọn gàng, ngăn nắp.
– Vứt bỏ bát đĩa, ly cốc bị sứt mẻ hoặc nứt. Khi vứt nhớ gói kỹ tránh gây thương tích cho người khác.
– Khi có đồ vật đổ vỡ, không được thu dọn bằng tay mà nhanh chóng đi dép trong nhà, dùng chổi và đồ hót rác cẩn thận thu dọn các mảnh vở.

Trượt ngã trong bếp

Sàn nhà trơn, ẩm ướt, nước hay thức ăn rơi vãi là những nguyên nhân chủ yếu gây trượt ngã. Trượt ngã đã nguy hiểm, trượt ngã trong nhà bếp lại càng nguy hiểm hơn khi bếp là nơi sử dụng lửa, các dụng cụ sắc bén và thức ăn nóng.

Bạn nên:
– Luôn giữ cho nhà bếp khô ráo, sạch sẽ.
– Khi đổ nước, vương vãi thức ăn cần nhanh chóng thu dọn.

Tai nạn do không biết cách sử dụng các dụng cụ nhà bếp

Trong bếp có rất nhiều dụng cụ từ đơn giản đến hiện đại, có những dụng cụ nếu bạn không biết sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây tai nạn đáng tiếc như: máy xay, lò vi sóng, máy nghiền bột, máy cắt rau củ…

Bạn nên:
– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi mới mua hoặc lần đầu sử dụng dụng cụ đó. Nếu vẫn có thắc mắc thì nên hỏi những người đã biết.
– Khi các dụng cụ nhà bếp bị hư hỏng, tuyệt đối không sử dụng, nhanh chóng đem đến trung tâm bảo hành để được kiểm tra và sữa chữa.

Trên đây là một số rủi ro có thể xảy ra trong nhà bếp, gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người. Là một người nấu ăn, đặc biệt đầu bếp trẻ, bạn cần hiểu rõ những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, nguyên nhân và cách phòng tránh, giải quyết tốt nhất để giữ an toàn; hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra với mình và những người xung quanh.

Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích này đến bạn bè và người thân bạn nhé!

Gỏi củ hũ dừa

Hãy làm mới bữa ăn gia đình bằng món đặc sản nổi tiếng của Bến Tre – gỏi củ hũ dừa. Không cần đến nhà hàng, bạn có thể tự làm món ăn này tại nhà với công thức dưới đây.

Nhắc đến Bến Tre người ta sẽ nghĩ đến dừa, và một trong những đặc sản nổi tiếng của xứ dừa không thể bỏ qua là gỏi củ hủ dừa. Gỏi củ hũ dừa là đặc sản Bến Tre đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận vào Top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam (2011 – 2016) theo bộ Tiêu chí công bố giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.

gỏi củ hũ dừa bến tre

Gỏi củ hủ dừa là món ăn dân dã nổi tiếng

Củ hủ dừa là phần non nhất trên đọt cây dừa, non và ngọt, dùng làm gỏi rất ngon. Củ hủ dừa nằm sâu trong thân nên để lấy được một củ hủ dừa thì phải đốn hạ cả cây dừa. Vì vậy, đây không phải là món ăn phổ biến, dễ dàng tìm thấy ở các quán ăn, nhà hàng. Thế nhưng cũng chính vì vậy mà món ăn này được rất nhiều thực khách sành ăn săn lùng. Nếu may mắn có được một củ dừa, học ngay công thức để làm món gỏi củ hủ dừa ngon tuyệt này nhé.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Củ hủ dừa: 200g
  • Tôm tươi: 100g
  • Thịt ba chỉ: 100g
  • Hành tây: 1 củ
  • Cà rốt: 1 củ
  • Rau răm
  • Đậu phộng rang
  • Ớt sừng: 1 trái
  • Chanh, tỏi, ớt
  • Các gia vị nêm nếm: đường, nước mắm.

Cách làm gỏi củ hũ dừa

Bước 1. Sơ chế nguyên liệu.
– Để làm gỏi ngon bạn chọn củ hủ dừa còn tươi, rửa sạch, thái miếng dài 4 – 5cm, bề ngang cỡ bằng cây đũa. Để củ hủ dừa không bị đen, sau khi thái xong bạn cho ngay vào thau nước chanh pha loãng để ngâm.
– Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi nhỏ bằng kích thước củ hủ dừa. Hành tây thái lát có kích thước tương tự. Ớt sừng thái sợi nhỏ. Tất cả đem ngâm vào nước đá để tạo độ giòn.
– Tôm rửa sạch, rút hết phần chỉ ở sống lưng và bụng để tôm không có mùi tanh, luộc chín rồi bóc vỏ, nếu tôm to có thể cắt đôi.
– Thịt ba chỉ rửa sạch, luộc chín, thái miếng nhỏ vừa ăn, miếng thịt có cả nạc và mỡ.
– Rau răm rửa sạch, thái nhỏ.
– Tỏi đập dập vài tép, băm nhỏ.
– Chanh cắt đôi, vắt lấy nước cốt.

Bước 2. Làm nước trộn gỏi.
Pha nước mắm ngon với tỏi băm, ớt thái nhỏ, đường, thêm nước cốt chanh tạo thành hỗn hợp nước mắm chua cay mặn ngọt. Bạn có thể điều chỉnh gia vị cho phù hợp khẩu vị của mình.

Bước 3. Trộn gỏi.
Cho củ hủ dừa, cà rốt, hành tây, ớt sợi, tôm, thịt vào với nhau, đảo nhẹ và từ từ rưới nước trộn lên. Dùng găng tay ni lông đen trộn đều để các nguyên liệu thấm gia vị vừa ăn là được. Lưu ý, chỉ nên bóp gỏi nhẹ tay để tránh rau củ bị ra nước. Gắp gỏi ra đĩa, rắc rau răm và đậu phộng lên trên là xong. Gỏi củ hủ dừa ăn cùng với bánh phồng tôm chiên giòn rất ngon.

Gỏi củ hủ dừa chinh phục người ăn bởi vị ngon ngọt tự nhiên, lạ miệng của củ hủ dừa, vị giòn tươi của hành tây, cà rốt cùng tôm thịt béo bùi hòa trong nước trộn chua cay mặn ngọt. Không chỉ thơm ngon hấp dẫn mà hình thức còn rất bắt mắt. Ngay hôm nay, hãy vào bếp trổ tài để làm mới bữa ăn gia đình ngay nhé! Chúc bạn thành công!

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Xây dựng khẩu phần dinh dưỡng chuẩn như Đầu Bếp

Biết cách xây dựng khẩu phần dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp bạn có những bữa ăn ngon miệng và đủ chất, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Thức ăn cung cấp năng lượng cho cơ thể giúp con người tồn tại và phát triển. Mỗi người cần được cung cấp năng lượng hằng ngày, tuy nhiên sự thiếu hụt hoặc thừa các chất dinh dưỡng so với nhu cầu thực tế lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và nảy sinh ra nhiều bệnh tật.

xây dựng khẩu phần dinh dưỡng như đầu bếp

Để xây dựng khẩu phần dinh dưỡng hợp lý, bạn nên áp dụng mô hình ăn uống lành mạnh của sơ đồ tháp dinh dưỡng với 5 nhóm thực phẩm bao gồm: ngũ cốc, rau, hoa quả, protein và sữa để xây dựng những bữa ăn ngon miệng và cân bằng các chất dinh dưỡng.

Nhóm ngũ cốc

khẩu phần ăn cac loại ngũ cốc

Ngũ cốc chứa nhiều tinh bột, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của thể chất và trí não. Bạn nên ăn 6 – 11 phần ngũ cốc mỗi ngày, một khẩu phần tương đương với nửa chén ngũ cốc, gạo hoặc mì ống, hoặc một lát bánh mì. Nguồn cung cấp ngũ cốc chính là các loại ngũ cốc nguyên hạt, bột ngũ cốc, bánh mì, bánh quy, mì ống.

Nhóm rau

Rau là thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên sử dụng thường xuyên. Mỗi ngày bạn nên ăn từ 3 – 5 khẩu phần rau sạch, một khẩu phần tương đương với khoảng 1 chén rau sống hoặc ½ chén rau chín. Đặc biệt, bạn nên sử dụng các loại rau có màu xanh đậm (rau cải, bó xôi, súp lơ xanh, rau ngót) và màu cam (cà rốt, bí đỏ).

Nhóm hoa quả

Trái cây không chỉ là thực phẩm tươi ngon mà còn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất

Sử dụng 2 – 4 phần trái cây mỗi ngày, mỗi khẩu phần tương đương với ½ ly nước trái cây hoặc một đĩa nhỏ trái cây tươi. Bạn nên sử dụng hoa quả tươi để cung cấp tốt nhất các chất dinh dưỡng cho cơ thể và cũng có thể ăn các loại trái cây sấy khô, trái cây đông lạnh.

khẩu phần ăn các loại rau củ

Nhóm thực phẩm cung cấp protein

Xây dựng chế độ ăn uống từ 2 – 3 khẩu phần protein hằng ngày, mỗi khẩu phần tương đương với khoảng 30g thịt, thịt gà, cá ngừ. Nguồn thực phẩm cung cấp protein đến từ các loại thịt, cá, trứng, đậu và các loại hạt như hạt dẻ cười, hạt điều, hạnh nhân…

Nhóm sữa

Bạn nên uống 2 – 4 khẩu phần sữa mỗi ngày, mỗi khẩu phần tương đương 1 ly sữa. Các loại sữa không béo hoặc ít chất béo như sữa, sữa chua, phô mai hoặc các sản phẩm không chứa lactose sẽ là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.

Nhóm thực phẩm cung cấp chất béo

Bạn nên sử dụng ít thực phẩm chứa chất béo trong bữa ăn hằng ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên sử dụng chất béo rắn như mỡ heo, bơ thực vật mà thay vào đó là chất béo từ cá, các loại hạt và dầu thực vật. Mỗi khẩu phần ăn tương đương với một muỗng cà phê bơ thực vật hoặc sốt Mayonaise.

Muốn có bữa ăn ngon, đủ chất và an toàn, bạn cần xây dựng một khẩu phần dinh dưỡng khoa học, đầy đủ và cân bằng các nhóm thực phẩm; đồng thời kết hợp các phương pháp chế biến hợp lý để tạo ra những món ăn thơm ngon, hấp dẫn.

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Gà nấu Pate

Món gà nấu pate có hình thức gần giống món lagu gà nhưng hương vị hoàn hoàn khác biệt bởi nước sốt được nấu từ pate.

Gà là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày, từ thịt gà có thể nấu ăn ra các món ăn theo nhiều phong cách khác nhau. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm gà nấu pate vừa ngon vừa lạ, mang đậm hương vị châu Âu với nước xốt đậm đà từ pate, thịt gà hầm mềm thấm gia vị, thoang thoảng mùi bơ thơm lừng lại thêm khoai tây, cà rốt ngọt bở.

gà nấu Pate ngon mềm

Món gà nấu pate thơm ngon hấp dẫn

Nguyên liệu cần chuẩn bị
– Gà: ½ con
– Pate: 250g
– Bơ lạt: 50g
– Tương cà hoặc nước xốt cà chua: ½ hộp
– Cà rốt, củ cải, khoai tây: mỗi loại khoảng 3 củ
– Nước dừa tươi: ½ trái
– Hành, tỏi
– Rau mùi
– Dầu ăn
– Các loại gia vị nêm nếm

Tốt nhất nên chọn đùi gà để nấu

Lưu ý khi chọn nguyên liệu:

  • Thịt gà bạn mua nửa con, nguyên con hoặc có thể chọn những phần đùi, cánh, chân gà… tùy theo sở thích của các thành viên trong gia đình. Bạn nên dùng đùi gà hoặc cánh gà vì những phần thịt này dai, ngọt, khi hầm mềm ăn vẫn rất ngon.
  • Pate chọn loại ngon để nước sốt đậm đà, bạn nên mua pate tại những địa chỉ uy tín để đảm bảo hương vị và chất lượng an toàn.
  • Các loại củ sử dụng nhiều ít tùy ý.

Cách làm gà nấu pate thơm mềm, béo ngậy

Sơ chế nguyên liệu:
– Thịt gà làm sạch, chặt miếng vừa ăn, nếu là đùi gà thì khía vài đường trên da cho dễ thấm gia vị. Ướp gà với chút muối, hạt tiêu.
– Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, cắt múi cau nhỏ.
– Cà rốt, củ cải làm sạch, tỉa hoa rồi cắt khoanh dày khoảng 1cm.
– Khoai tây cạo vỏ, cắt thành những miếng vuông vừa ăn. Để khoai không bị thâm đen, bạn có thể cho ngay vào thau nước lạnh pha muối.
– Hành, tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
– Rau mùi nhặt gốc, rửa sách, thái khúc.

Các bước thực hiện:

Bước 1. Cho khoai tây vào chiên sơ với chút dầu ăn, chiên sém các mặt của miếng khoai rồi gắp ra ngay, không cần chín.

Bước 2. Cho gà vào chiên sơ với một chút dầu ăn khoảng vài phút để thịt săn lại.

Bước 3. Nghiền nhuyễn pate với một chút nước lọc.

Bước 4. Bạn dùng một cái nồi lớn, phi thơm hành, tỏi với chút dầu ăn rồi cho pate vào xào để pate dậy mùi thơm, tiếp đó cho bơ vào khuấy đều. Đợi bơ và pate hòa tan với nhau, bạn cho tương cà, nước dừa tươi vào nồi và khuấy đều tay.

Bước 5. Khi hỗn hợp sôi, bạn trút thịt gà vào nấu khoảng 10 phút cho thấm gia vị, sau đó cho khoai tây, cà rốt, củ cải vào hầm. Đợi các loại củ chín thì cho hành tây vào, nêm nếm gia vị rồi tắt bếp.

Bước 6. Múc thịt và các loại củ ra tô, rắc rau thơm lên trên và ăn nóng, hương thơm ngào ngạt vô cùng hấp dẫn. Món này ăn với cơm, bún hau bánh mì giòn đều rất ngon.

Chúc các bạn thực hiện thành công món ăn Âu nổi tiếng này nhé.

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Gia vị cho món Việt và những điều có thể bạn chưa biết

Gia vị Việt phong phú và đa dạng, nhưng có nhiều điều thú vị có thể bạn chưa biết. Để hiểu rõ hơn về quá trình nấu nướng, trổ tài trong gian bếp của mình, hôm nay cùng chúng tôi tìm hiểu thêm nhé.

Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng bởi sự cầu kỳ và đa dạng trong cách sử dụng các loại gia vị để chế biến món Việt. Món ăn ngon hay không ngoài nguyên liệu chính còn phụ thuộc rất nhiều vào gia vị vì nó tác dụng làm tăng hương vị, tạo sự kích thích vị giác và giúp thực phẩm tiêu hóa tốt hơn.

Sau đây, hãy cùng khám phá vài điều thú vị mà có thể bạn chưa biết đâu nhé!

Có rất nhiều loại gia vị được sử dụng trong món Việt

Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng sử dụng nhiều gia vị hơn các nước khác. Ngoài các gia vị cơ bản như: mắm, muối, tiêu, hạt nêm…. còn có đến hơn 70 loại rau gia vị.

gia vị trong món Việt

Có rất nhiều loại gia vị được sử dụng để nấu ăn hằng ngày

Gia vị được chia thành hai loại: gia vị hữu cơ và gia vị vô cơ:

Gia vị hữu cơ được chia thành hai loại là gia vị gốc thực vật và gia vị gốc động vật. Gia vị hữu cơ gốc thực vật bao gồm các loại lá, hạt, củ, quả như: thì là, mùi tàu, hành lá, chanh, ớt, hạt tiêu, hành, tỏi, đinh hương, thảo quả, hoa hồi…; các loại gia vị chế biến sẵn như: tương ớt, tương cà, xì dầu… hay các loại rau củ muối chua. Gia vị hữu cơ gốc động vật bao gồm các loại mắm, nước mắm, mật ong, tinh dầu cà uống hay các loại thực phẩm tạo ngọt như tôm khô, mực khô…
Gia vị vô cơ là những sản phẩm hóa học dùng để thay thế các loại gia vị hữu cơ. Trong đó phải kể đến: hạt nêm, bột ngọt… các gia vị lên men như giấm, mẻ, rượu…

Gia vị có tác dụng chữa bệnh và làm đẹp

Ngoài tác dụng làm tăng hương vị cho món ăn, một số loại gia vị còn có tác dụng chữa bệnh và làm đẹp hiệu quả. Ví dụ:
– Củ sả có tác dụng lợi tiểu, trị cảm sốt, đầy bụng.
– Gừng có vị cay, thơm, tính ấm, có thể dùng trị cảm sốt, ho, đau họng, nhức đầu.
– Rau diếp cá có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, điều hòa kinh nguyệt.
– Nghệ tươi có tác dụng làm lành da, chống lão hóa, dùng bột nghệ đắp mặt nạ có tác dụng dưỡng trắng da.
– Chanh có tác dụng giảm cân, tẩy tế bào chết và làm mặt nạ trị mụn…

gia vị có tác dụng chữa bệnh và làm đẹp

Bột nghệ là nguyên liệu làm đẹp hiệu quả được các chị em phụ nữ tin dùng

Sử dụng và phối hợp gia vị theo nguyên tắc

Tùy vào từng món ăn, mục đích ăn uống, khẩu vị vùng miền để phối hợp các loại gia vị thích hợp và đảm bảo yếu tố cân bằng âm dương:
– Khẩu vị miền Bắc: Tinh tế, thích hương vị tự nhiên của thực phẩm, ít dùng đường.
– Khẩu vị miền Trung: Đậm đà, cay nồng.
– Miền Nam: Thích ăn ngọt và béo, sử dụng nhiều đường, nước cốt dừa, ăn chua và cay nhẹ.

Ngoài các gia vị thường dùng thì một số món lại đòi hỏi những loại gia vị đặc biệt: Cháo cá phải có rau răm, thịt chó phải có mắm tôm và rau mơ, canh cá khoai phải có thì là, thịt gà có lá chanh…

Sự phong phú về thể loại, tác dụng và cách sử dụng các loại gia vị đã góp phần tạo nên những món ăn ngon, những hương vị độc đáo cho ẩm thực Việt Nam. Hy vọng bài viết đã có những chia sẻ thú vị cho bạn. Cùng tìm hiểu thêm các bài viết khác tai Hoidaubepaau.com nhé!

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Bò xốt tiêu đen

Bữa tối của gia đình bạn sẽ trở nên thú vị và ấm áp hơn với món bò xốt tiêu đen. Hãy vào bếp ngay tối nay để thực hiện món ăn này nhé!

Thịt bò nhiều chất dinh dưỡng lại có hương vị thơm ngon, vì vậy thường được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày. Bò xốt tiêu đen nóng hổi, thơm lừng mùi tiêu, thịt bò mềm ngọt, nước xốt đậm đà, ăn cùng với bánh bao, bánh mì hay cơm nóng đều rất ngon. Học cách nấu bò xốt tiêu đen dưới đây sẽ giúp bạn bổ sung thêm một món ăn mới vào thực đơn nấu món âu của cả gia đình.

bo-xot-tieu

Có rất nhiều cách làm bò xốt tiêu đen khác nhau

Các nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Thịt bò thăn: 500g
  • Hạt tiêu đen: 2 thìa
  • Hành tây: 1 củ
  • Baking soda: ½ thìa
  • Bột mì: 20g
  • Giấm trắng
  • Dầu hào
  • Xì dầu
  • Rượu trắng
  • Cà chua
  • Rau mùi
  • Các gia vị nêm nếm

Để có món ăn ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, đặc biệt là thịt bò
Thịt bò ngon phải có màu đỏ tươi, độ đàn hồi tốt, khi sờ vào không dính tay và không có mùi hôi. Thịt bò cái ngon hơn bò đực, nên nếu bạn có thể mua được thịt bò cái, mà lại là bò tơ thì ngon nhất.

Cách làm bò xốt tiêu đen

Sơ chế nguyên liệu:
– Thịt bò rửa sạch, thái miếng to bản, dày khoảng 0,5cm.
– Hạt tiêu đen rang chín, đập dập.
– Bột mì pha loãng với chút nước.
– Hành, tỏi, gừng làm sạch, băm nhỏ rồi để riêng.
– Hành tây lột vỏ, rửa sạch, thái múi cau nhỏ.
– Rau mùi nhặt gốc, rửa sạch, thái nhỏ.

Các bước chế biến

Bước 1. Ướp thịt.
Thịt bò đem ướp với 2 thìa tiêu đen + baking soda + 1 thìa rượu trắng trong khoảng 20 phút.

Bước 2. Làm nước xốt thịt bò.
Cà chua khía hình chữ thập từ dưới lên cho dễ bóc vỏ, thả vào nồi nước sôi một chút, vớt ra để nguội rồi dùng dao nhẹ nhàng bóc lớp vỏ, bổ cà chua ra làm đôi. Bỏ hết phần hạt rồi xay nhuyễn.
Bắc nồi lên bếp, cho 2 thìa dầu ăn + cà chua xay nhuyễn + dầu hào + một chút rượu trắng vào nồi, nêm nếm gia vị rồi đun sôi. Khi hỗn hợp sôi, từ từ cho bột mì vào khuấy đều cho đến khi tạo độ sánh vừa phải thì tắt bếp.

Bước 3. Xốt thịt bò.
Thịt bò ướp khoảng 20 phút thì đem xào với chút dầu ăn. Lưu ý khi xào nên để lửa lớn và xào nhanh để thịt không bị dai, nêm nếm gia vị phù hợp. Khi thịt bò chín, cho nước xốt, xành tây vào đảo trong vài phút đủ để hành chín, thịt thấm gia vị là được.

Bước 4. Thành phẩm món ăn.
Múc thịt ra đĩa, rắc rau mùi lên trên rồi ăn nóng. Bạn có thể trang trí tùy thích theo sự sáng tạo của mình.

Chúc bạn nấu ăn thành công món bò xốt tiêu đen!

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Bánh Mì Việt tại Hong Kong luôn “Hot”

Bánh mì thịt – món ăn đường phố của Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới ngày càng được người dân Hồng Kông ưa chuộng. Điều này mở ra tiềm năng kinh doanh lớn cho những chủ tiệm bánh mì đang sinh sống tại Hồng Kông.

Điều gì khiến bánh mì Việt hấp dẫn đến thế?

Ngày 27/07, báo South China Morning Post đã liệt kê 8 tiệm bánh mì Việt không thể bỏ qua nếu bạn có dịp đến Hồng Kông đồng thời tiết lộ rằng đa phần các chủ quán đều cho rằng sự thành công của món ăn giản dị, bình dân mà rất độc đáo này phần lớn nằm ở độ giòn của bánh.

bánh mì việt nam

Bánh mì Việt hấp dẫn và gây “sốt” ở Hồng Kông hàng chục năm qua.

Đầu bếp Bao La người Úc chịu trách nhiệm giám sát chất lượng của bánh mì thịt tại nhà hàng mới mở ở Le Petit Saigon khu Wan Chai (Loan Tử) nói: “Sau khi ăn xong, vụn bánh mì phải dính khắp miệng của bạn” thì mới đạt chuẩn. Nhiệt độ ở Hồng Kông thấp hơn Việt Nam, để bánh mì không bị ỉu mềm do độ ẩm thì đầu bếp Bao và nhân viên phải tích cực nướng bánh mì 30 phút trước khi mở cửa nhà hàng.

“Cũng giống như ở Sài Gòn, nhiều khi khách quá đông, họ đứng xếp hàng dài đợi đến lượt mình mua bánh mì nhưng ít ai khó chịu vì được tận mắt chứng kiến quá trình làm bánh mì”, ông Bao chia sẻ thêm.

đầu bếp gốc việt chế biến bánh mì việt nam

Đầu bếp người Úc gốc Việt Bao La đang làm bánh mì. Ảnh: SCMP

Trong khi đó, Roy Chinh – chủ cửa hàng Bánh Mì Kitchen ở khu vực Trung Hoàn cũng khẳng định độ ngon của bánh mì thịt phụ thuộc rất lớn vào chất lượng vỏ bánh. “Nhiều người dùng chất phụ gia nhằm làm bánh mì phồng to và nhanh để đạt được độ giòn mong muốn. Một cửa hàng bánh mì uy tín, làm được độ giòn của bánh mì phải có bí quyết và đó là cả một quá trình”, ông cho biết.

Tại tiệm bánh mì Cóm Bánh Mì ở Loan Tử, Tim Lau – chủ quán cho biết họ dùng hỗn hợp bột gạo và bột mì để đạt được độ giòn mong muốn.

bánh mì việt nam luôn hot ở Hong Kong

Bánh mì ngon phần lớn nằm ở lớp vỏ giòn.

Bánh mì tại Hồng Kông phải nâng cao chất lượng mới giữ được khách

Lúc mới du nhập vào Hồng Kông, bánh mì Việt trở nên “sốt” vì độ ngon, hấp dẫn, lạ miệng của nó. Người Hồng Kông lẫn khách du lịch tiếp nhận món ăn này một cách tự nhiên và nhanh chóng đã mở ra tiềm năng kinh doanh vô cùng lớn. Chính vì vậy mà ở Hồng Kông, không khó để ta bắt gặp một tiệm, quán ăn, nhà hàng bán món bánh mì trứ danh của đất nước hình chữ S.

Thế nhưng, thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân mà độ “hot” của bánh mì thịt Việt ở Hồng Kông đã suy giảm. Ông Roy Chinh cho biết: “Có nhiều du khách Hồng Kông đến Việt Nam. Họ đã thử món bánh này và biết hương vị của nó ở Việt Nam tuyệt vời như thế nào nên sau khi quay trở lại Hồng Kông họ không còn thích bánh mì ở đây nữa”.

“Điều này buộc các nhà hàng bán món Việt tại Hồng Kông phải nâng cao chất lượng nếu muốn tồn tại”, ông Chinh nói.

Không ít chủ quán bánh mì tại Hồng Kông đã đích thân sang Việt Nam để học được bí quyết làm bánh mì thịt ngon để mở quán. Tất nhiên, hương vị vẫn khó giống với bánh mì tại mảnh đất sinh ra nó, chủ yếu bởi do độ ẩm cao, nguyên liệu khác nhau nên độ giòn của bánh không đạt…

Tại Hồng Kông, tiệm bánh mì Việt lâu đời nhất là Tim Kee French Sandwiches ở khu vực Jordan. Ông đã nó từ năm 1993 và hiện tại đây vẫn là tiệm bánh mì nổi tiếng mà bất cứ khách du lịch nào khi đến Hồng Kông không thể không ghé.

Bỏ túi cách làm rau muống xào tỏi tươi xanh, giòn ngon tại nhà

Là món ăn quen thuộc tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm rau muống xào tỏi tươi xanh, giòn ngon ngay tại nhà. Bài viết dưới đây, Hội ...