Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Mở quán nhậu cần chuẩn bị những gì?

Để mở một quán nhậu, bạn cần chuẩn nhiều thứ, từ nguồn vốn, mặt bằng kinh doanh, mua sắm đồ dùng, dụng cụ, nguyên vật liệu… cho đến kế hoạch marketing để thu hút và giữ chân khách hàng.

Mở quán nhậu là mô hình kinh doanh phổ biến được nhiều người lựa chọn để làm giàu. Nếu bạn cũng đang ấp ủ một kế hoạch mở quán nhậu nhưng chưa có kinh nghiệm mở quán và không biết phải bắt đầu từ đâu thì bài viết này dành cho bạn. Trước khi bắt đầu kinh doanh, bạn phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng các yếu tố sau:

Chuẩn bị vốn

Để mở quán nhậu việc đầu tiên là chuẩn bị vốn, vốn nhiều hay ít tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh và điều kiện hiện có. Để tạo lập và kinh doanh một quán nhậu bình dân quy mô vừa và nhỏ, bạn cần chuẩn bị số vốn từ 100 – 200 triệu đồng bao gồm các chi phí: phí thuê mặt bằng, trang trí quán; mua sắm bàn ghế, dụng cụ nấu ăn; phí mua nguyên vật liệu; trả lương nhân viên… Nếu muốn mở quán nhậu quy mô lớn thì số vốn cần chuẩn bị sẽ gấp nhiều lần.

chuẩn bị vốn mở quán nhậu

Muốn mở quán nhậu bạn phải có một số vốn nhất định

Chuẩn bị mặt bằng

Nếu có nhà ở rộng rãi, thuận lợi để kinh doanh thì hãy tận dụng làm mặt bằng quán nhậu, hoặc không bạn phải đi thuê. Tìm mặt bằng ở những nơi tập trung đông dân cư để đảm bảo lượng khách ổn định. Mặt bằng không cần quá lớn nhưng phải sạch sẽ, thoáng mát, có chỗ để xe rộng rãi và an toàn.

Lên thực đơn món ăn, thức uống một cách chi tiết

Để thu hút và giữ chân khách hàng, bạn cần xây dựng một thực đơn các món ăn, thức uống thật chi tiết. Số lượng món ăn, món chính, món phụ là gì, mỗi món định lượng bao nhiêu, giá thành thế nào thì hợp lý? Các loại bia, rượu, nước ngọt chọn loại nào ngon nhất, giá mua bao nhiêu, bán bao nhiêu thì có lời…? Bạn nên tham khảo thực đơn của các quán ăn, quán nhậu để nắm bắt nhu cầu ẩm thực của thực khách và có giá bán cạnh tranh, phải thấp hơn hoặc bằng đối thủ.
Xây dựng thực đơn món ăn, nước uống một cách chi tiết sẽ giúp bạn xác định được các nguyên liệu cần chuẩn bị và dễ dàng kiểm soát.

xây dựng thực đơn đa dạng hấp dẫn

Xây dựng thực đơn với các món ăn, thức uống đa dạng, hấp dẫn

Mua sắm đồ dùng

Khi đã có mặt bằng, hãy bắt đầu mua sắm các dụng cụ và bày trí quán. Các đồ dùng phục vụ thực khách gồm: bàn ghế, quạt điện, chén đĩa, ly, khăn giấy… Các dụng cụ phục vụ việc chế biến món ăn bao gồm: bếp ga, xong nồi, rổ rá các loại… tùy vào nhu cầu sử dụng để mua đồ dùng phù hợp. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể mua đồ dùng thanh lý của các quán cơm, quán nhậu, tuy là đồ cũ nhưng vẫn sử dụng tốt mà giá thành tương đối rẻ. Lưu ý, chỉ nên mua lại những đồ dùng còn mới, sạch đẹp.

Tìm đầu mối nguyên liệu giá rẻ

Mở quán nhậu đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiêu thụ lượng lớn nguyên liệu, gia vị, bia, nước ngọt… hằng ngày. Để giảm thiểu chi phí mua nguyên liệu và tăng lợi nhuận, bạn nên tìm các đầu mối lớn để mua nguyên liệu với giá thấp nhất mà vẫn đảm bảo được chất lượng tươi ngon. Tùy vào thực phẩm cần sử dụng để tìm địa điểm mua phù hợp. Nếu cần mua thịt heo, bò, hãy đến trực tiếp các lò mổ; mua hải sản hãy đến các vựa hải sản, hộ gia đình nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; mua rau hãy đến chợ đầu mối hoặc các hộ trồng rau…

Làm thủ tục đăng kí kinh doanh

Bạn cần gửi Giấy đề nghị đăng kí hộ kinh doanh đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi mở quán. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Tuyển nhân viên

Thông thường, một quán nhậu bình dân cần có nhân lực đảm nhiệm các vị trí:
– Đầu bếp.
– Phụ bếp.
– Nhân viên phục vụ.
– Nhân viên giữ xe.
– Nhân viên thu nhân.
– Nhân viên dọn vệ sinh.

Số lượng nhân viên cần tuyển ở mỗi vị trí là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào quy mô quán lớn nhỏ khác nhau. Đầu bếp là người trực tiếp chế biến món ăn nên phải tuyển chọn kỹ lưỡng, đầu bếp có tay nghề cao và am hiểu khẩu vị thực khách. Hoặc bạn có thể tham gia các khóa dạy nấu ăn chuyên nghiệp để học nấu các món nhậu, tự làm đầu bếp cho quán ăn của mình.

thuê đầu bếp giỏi để mở quán

Tuyển dụng đầu bếp giỏi hoặc học nấu ăn để trở thành đầu bếp tự làm cho chính mình

Chuẩn bị kế hoạch marketing

Hãy đặt tên quán thật lạ, tên món ăn thật độc đáo, đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá 20% tổng hóa đơn trong ngày khai trương, giảm 10% hóa đơn khung giờ vàng trong ngày… Bạn nên chuẩn bị một kế hoạch marketing ngay từ khi quán mới khai trương và trong suốt quá trình kinh doanh để thu hút và kích thích nhu cầu ăn uống của thực khách.

Trên đây là những việc làm cần chuẩn bị để mở một quán nhậu bình dân. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn, giúp bạn tự tin chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh sắp tới. Chúc bạn thành công!

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Thủ tục mở quán nhậu kinh doanh gồm những gì?

Thủ tục mở quán nhậu cần nhiều bước, trong đó không thể thiếu khâu đăng kí hộ kinh doanh, đăng kí thuế và chuẩn bị một số loại giấy tờ cần thiết khác.

Để hợp thức hóa quán ăn và được nhận những quyền lợi nhất định, bạn cần phải tìm hoàn tất thủ tục mở quán nhậu. Những thủ tục này tuy không quá phức tạp nhưng cần phải tìm hiểu thật kĩ càng. Vậy, thủ tục mở quán nhậu gồm có những gì? Dưới đây là bài viết bạn nên tham khảo để tiến trình mở quán thuận lợi và suôn sẻ hơn.

thủ tục để mở quán nhậu

Mở quán nhậu cần chuẩn bị những thủ tục gì?

Đăng kí kinh doanh

Trước khi đăng kí, cần xác định cụ thể mô hình bạn kinh doanh phù hợp với loại hình nào. Chẳng hạn, quy mô quán nhậu trung bình và vừa thường ứng với loại hình hộ kinh doanh, quy mô nhỏ đến rất nhỏ được xếp vào loại cá nhân kinh doanh. Ngay sau những bước hoàn thiện về cơ sở vật chất, mua sắm nguyên vật liệu và thuê nhân viên (nếu có), bạn cần phải tiến hành đăng kí kinh doanh ngay ở bước tiếp theo.

Các bước đăng kí gồm:
+ Điền vào Đơn đăng kí kinh doanh và gửi đến cơ quan có liên quan tại địa phương (cấp huyện, cấp Quận) với đầy đủ các thông tin gồm địa điểm mở quán, nghành nghề, số vốn bỏ ra, số chứng minh nhân dân và chữ kí của cá nhân đứng ra thành lập;
+ Sau 5 ngày kể từ khi nhận được Đơn, cơ quan chức năng có liên quan sẽ đề nghị chỉnh sửa, bổ sung (nếu có sai sót) và sẽ cấp Giấy biên nhận cùng Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh khi đã đầy đủ yêu cầu hợp lệ;
Đây được xem là bước quan trọng hàng đầu trong quá trình làm thủ tục mở quán nhậu. Người kinh doanh cần phải chủ động thực hiện bởi khi có kiểm tra đột xuất, nếu bạn không xuất trình được giấy phép, có thể bị liệt vào danh sách hộ kinh doanh trái phép.

Đăng kí thuế

Ở đa số các địa phương, cán bộ thuế sẽ đến tận nhà để hỗ trợ chúng ta làm thủ tục đăng kí thuế. Tất cả những gì bạn cần chuẩn bị gồm có: Bản sao Giấy phép kinh doanh và bản sao chứng minh nhân dân của người chủ có công chứng của địa phương.

Thông thường, loại thuế mà hộ kinh doanh phải nộp là thuế môn bài với mức thu phụ thuộc vào số lượng vốn đầu tư và thu nhập trung bình hàng tháng. Sau khi đã kê khai đầy đủ các khoản, bạn có nghĩa vụ phải đóng thuế hàng tháng hoặc hàng năm, tùy vào loại thuế.

Chuẩn bị một số giấy tờ cần thiết khác

Kinh doanh quán nhậu nói chung và quán ăn nói riêng, chất lượng và sự an toàn từ nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng quyết định sự “sống còn”, thành – bại của quán. Vì thế, ngoài giấy phép kinh doanh, thuế, bạn cần phải chuẩn bị một số giấy tờ khác như Giấy phép hoạt động, đăng kí thuế, bạn cần phải “thủ sẵn” trong tay một số loại giấy tờ cần thiết khác như:

  • + Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • + Giấy phép kinh doanh bia, rượu nếu có bán những mặt hàng bia, rượu;
  • + Giấy thuốc lá nếu có bán những mặt hàng thuốc lá.

hoàn tất thủ tục mở quán nhậu kinh doanh

Hoàn tất thủ tục là bước bắt buộc để hoàn thành quy trình mở quán nhậu

Ngoài 3 bước cơ bản như trên, người kinh doanh còn phải trải qua một số bước khác để hoàn thành thủ tục mở quán nhậu một cách chỉn chu, đầy đủ như: đăng kí tạm trú, tạm vắng nếu có người ở lại quán; xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC (Phòng cháy chữa cháy); cam kết không lấn chiếm vỉa hè (tùy vào điều kiện và yêu cầu của từng địa phương khác nhau)…

Nếu xem các yếu tố như xây dựng, sắm sửa nguyên vật liệu, trang trí quán là phần “cứng” thì các thủ tục hành chính được xem là phần “mềm” bắt buộc phải có để hoàn tất quá trình mở quán nhậu. Việc làm các thủ tục tuy mất thời gian nhưng đó là nghĩa vụ, cũng đồng thời là quyền lợi để các cá nhân hoặc hộ kinh doanh được bảo vệ theo quy định của Nhà nước. Từ đó, công việc mở quán sẽ được quản lý dễ dàng và trở nên suôn sẻ hơn.

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Bí quyết chế biến thịt và gia cầm cho các đầu bếp

Những lưu ý khi chế biến thịt và gia cầm dưới đây là thông tin quan trọng và cần thiết mà mỗi đầu bếp cần phải bổ sung, trau dồi và nắm vững để áp dụng trong quá trình làm nghề của mình.

Thịt gia súc, gia cầm là những thực phẩm được sử dụng phổ biến bởi chúng cung cấp lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho con người và có thể tạo ra vô số món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Mỗi loại thịt khác nhau có đặc điểm, cách chế biến, bảo quản khác nhau, các đầu bếp cần nắm rõ điều này để có thể chế biến món ăn một cách hoàn hảo nhất. Sau đây là những lưu ý khi chế biến thịt và gia cầm mà các đầu bếp cần phải biết.

Chế biến Thịt lợn

Thịt lợn là loại thịt được sử dụng phổ biến nhất bởi lợn dễ chăn nuôi, giá thành tương đối rẻ và chất lượng thịt thơm ngon. Thịt lợn có màu hồng nhạt, thớ mịn, da không quá dày, không có quá nhiều mỡ trong thịt.

chế biến thịt heo

Thịt lợn được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày

Khi làm thịt lợn, người ta sẽ phân thành nhiều phần khác nhau để chế biến món ăn phù hợp:

  • Thịt vai : mềm, ít mỡ, thích hợp nhất khi luộc, làm gỏi hay xào mì.
  • Đùi trước: thích hợp để luộc cúng hay bày cỗ, thái khoanh tròn cuộn bánh đa nem.
  • Đùi sau: nấu các món thịt đông, kho tàu, bánh canh, kho măng.
  • Chân giò: nhiều nạc, ít xương, dùng để nấu các món canh, cháo, hầm rau củ quả hay rút xương nhồi thịt.
  • Mỡ lưng: thắng tóp mỡ hoặc kho cùng thịt, cá.
  • Thăn chuột: thịt mềm ít mỡ, nên chế biến món ăn cho người già và trẻ em.
  • Sườn non: làm các món ram, kho, nướng hay hầm sup.
  • Ba rọi: chế biến được nhiều món: chiên, kho, xào, nướng…

Nhiệt độ thích hợp để chế biến thịt heo chín kỹ là trên 100 độ C.

Chế Biến Thịt bò

Thịt bò cũng là loại thịt phổ biến có giá trị dinh dưỡng cao cùng mùi vị đặc trưng. Thịt bò ngon phải rắn và có màu đỏ sậm, mỡ có màu trắng kem, thớ thịt đẹp và có độ bóng. Nếu mỡ có màu vàng đậm thì chứng tỏ đó là thịt bò già.

chế biến thịt bò

Thịt bò được xem là loại thịt thượng hạng với hương vị thơm ngon, bổ dưỡng

Thịt bò cũng được phân chia thành nhiều phần và có cách chế biến khác nhau:

  • Nạc vai: được sử dụng cho các món hầm và nướng. Thịt nạc vai có nhiều mỡ nên có thể chế biến thành thịt bò xay.
  • Sườn: sườn bò tương đối mềm, ngon, nhiều thịt, thích hợp cho các món chiên, nướng, bò hầm kiểu Pháp.
  • Ức: ức bò hay còn gọi là nạm, là phần thịt có cả gân, khá dai nên thường làm các món ninh, hầm. Phần nhiều mỡ và gân được gọi là gầu, thường xuất hiện trong các tô phở của người Việt.
  • Thịt ba chỉ: thích hợp để làm các món salad thịt nướng, phần thịt này có sụn nên chế biến các món hầm cũng rất ngon.
  • Thịt chân giò: chân giò bò thường dai và có nhiều mô nối, dùng làm các món Ý hảo hạng, món ninh, hầm.
  • Thịt thăn vai: lưng là nơi cho những miếng thịt ngon nhất, thích hợp để làm các món nướng.
  • Thịt thăn ngoại: mềm, cũng thích hợp cho các món nướng.
  • Thịt thăn nội: được xem là phần thịt ngon nhất của con bò, làm bít tết hoặc các món khô như hấp, nướng.
  • Thịt hông thịt bò sườn: có thể nướng hay làm bò viên, các món ninh.
  • Thịt mông: chủ yếu là thịt nạc nhưng khá dai nên chế biến thành các món hầm là phù hợp nhất.

Nhiệt độ chế biến thịt bò: Thịt bò có thể chế biến ở nhiều mức độ nhiệt khác nhau tùy theo bạn muốn chế biến thành món ăn gì:
– Chín tái: từ 60 – 65 độ C.
– Chín vừa: 70 – 75 độ C.
– Chín kỹ: 85 độ C.

Chế Biến Thịt gà

Trong các loại thịt gia cầm, thịt gà được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày. Đây được xem là loại thịt trắng hảo hạng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Thịt gà ngon phải có màu trắng, mùi thơm đặc trưng, không tụ máu, da không bị xây xát.

chế biến thịt gà

Thịt gà là loại thịt gia cầm được sử dụng nhiều nhất trong bữa ăn hằng ngày

Thịt gà thường được chế biến nguyên con hoặc chia thành các phần khác nhau:

  • Gà nguyên con được chế biến thành các món: luộc, hấp, quay, nướng, lẩu, hầm…
  • Ức gà: nhiều thịt, thích hợp để chế biến các món Âu.
  • Đùi gà: nấu cà ri, tẩm bột chiên, nướng.
  • Cánh gà: thịt dai, thơm, có thể làm các các món như cánh gà rim nước mắm, tẩm bột chiên, nấu cà ri.
  • Chân gà: nướng muối ớt, hấp hành, ngâm chua ngọt…

Khi chế biến thịt gà nói riêng và các loại thịt gia cầm nói chung, nhiệt độ để thịt chín kỹ là trên 100 độ C. Thời gian nấu còn phụ thuộc vào kích cỡ và độ tuổi của chúng.

Trên đây là những lưu ý khi chế biến 3 loại thịt gia súc, gia cầm phổ biến là thịt lợn, thịt bò và thịt gà. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn! Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo để có thêm thật nhiều thông tin bổ ích nữa nhé!

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Bí quyết làm nước chấm chay ngon cho quán ăn

Các loại nước chấm chay rất đa dạng về hương vị, màu sắc và công dụng chứ không hề đơn điệu như nhiều người vẫn nghĩ. Nắm được các bí quyết sau đây, bạn có thể pha chế được những chén nước chấm thơm ngon, phù hợp với từng món ăn.

Nước chấm là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt. Món ăn có thể thiếu vị một chút nhưng một chén nước chấm ngon có thể khắc phục được điều này, đem đến bữa ăn trọn vẹn hơn. Không chỉ các món ăn mặn, món chay cũng cần có nước chấm đi kèm để làm tăng mùi vị. Hơn nữa, các món chay chủ yếu được làm từ nguyên liệu rau củ quả, không đa dạng hương vị như món mặn nên nước chấm là thành phần không thể thiếu.

Bữa ăn chay tuy có phần thanh đạm nhưng không đồng nghĩa là đơn giản và nhàm chám, các loại nước chấm chay cũng vậy. Hãy áp dụng các bí quyết sau đây để pha chế những chén nước chấm chay thật hấp dẫn nhé!

Khắc phục nước tương bị mặn

Nước tương là loại nước chấm chay được sử dụng phổ biến nhất, được lên men 100% từ đậu nành, không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn rất an toàn với sức khỏe. Nước tương có bán khắp mọi nơi, nếu mua phải nước tương có vị mặn, không ngon, bạn đừng vội bỏ đi mà có thể khắc phục bằng cách sau: Cho thêm nước dừa xiêm và bột ngọt vào hòa tan với nước tương rồi bắc lên bếp đun sôi, hớt bỏ bọt rồi tắt bếp để nguội. Tỉ lệ thêm tùy ý, trung bình 10 lít nước tương thì sử dụng 1 trái dừa và 10 gam bột ngọt. Hỗn hợp nước tương sau khi nấu sẽ giảm bớt vị mặn và có độ thơm, ngọt hơn.

biến tấu nước tương thành các loại nước chấm chay

Bạn có thể biến tấu nước tương với rất nhiều gia vị khác

Nước chấm phù hợp với khẩu vị

Có nhiều loại nước chấm chay ngon khác nhau với thành phần và hương vị khác nhau, có loại chỉ hai vị mặn – ngọt nhưng cũng có loại chua – cay – mặn – ngọt… Để pha chế một chén nước chấm ngon thì không có tỉ lệ nhất định mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là khẩu vị. Vì vậy, hãy cân nhắc và định lượng các gia vị pha chế sao cho phù hợp với khẩu vị của người ăn và từng món ăn.

Bí quyết để tỏi và ớt nổi trong chén nước chấm

Tỏi và ớt là hai thành phần không thể thiếu trong hầu hết các loại nước chấm. Sẽ thật tuyệt vời nếu chén nước chấm có vị ngon hài hòa và hình thức bắt mắt phải không nào? Một bí quyết nhỏ dành cho bạn là nếu muốn tỏi, ớt nổi đều và đẹp mắt trong chén nước chấm thì đừng giã nhỏ chúng như trước đây mà chỉ nên thái nhỏ hoặc thái lát mỏng thôi nhé!

nước chấm chay với hình thức đẹp mắt

Chén nước chấm chay không chỉ ngon mà cần có hình thức hấp dẫn

Nước chấm khác nhau cho các món ăn khác nhau

Nhiều người có thói quen pha chế một loại nước chấm chay rồi sử dụng cho nhiều món ăn khác nhau. Điều đó không có tác hại nhưng sẽ làm bữa ăn kém ngon miệng vì mỗi món ăn sẽ phù hợp với một loại nước chấm khác nhau. Ví dụ:

  • Nước tương pha cùng với giấm, muối, đường, nước ấm, thêm chút ớt băm, củ kiệu xé nhỏ, cà rốt thái chỉ vào sẽ thích hợp để dùng với món bì cuốn chay, phở cuốn chay…
  • Cà chua thái nhỏ, xào với chút dầu ăn phi thơm hành tỏi, nêm muối, bột ngọt, hạt tiêu, nước lọc sẽ tạo thành nước xốt cà chua hấp dẫn, chấm rau xà lách sống hoặc ăn với bánh cuốn, bún sợi rất ngon.
  • Nước chấm tương xay được làm từ bã tương xay nhuyễn, nước tương, hành tỏi phi thơm, cháo nếp, đậu phộng… thích hợp với các món cuốn chay, chấm rau củ…
  • Nước tương kết hợp với tương ớt dùng để ăn với cơm chiên…

Hy vọng những thông tin trên hữu ích với bạn, giúp bạn có thêm kiến thức để pha chế các loại nước chấm chay ngon hơn, hấp dẫn hơn.

Làm giàu nhờ biết Nấu Món Chay

Cứ vào mùa Vu Lan, tháng 7 âm lịch, dịch vụ nấu ăn chay lại giúp những ai có tay nghề nấu món chay ngon kiếm thêm nhiều khoản thu nhập lớn.

Nhu cầu ăn chay ngày càng nhiều, không chỉ có giới phật tử mà doanh nhân, thương nhân, nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên… chuyển hướng ăn chay ngày càng nhiều. Vừa đảm bảo sức khỏe, hạn chế các bệnh như tim mạch, béo phì vừa giúp cho tâm hồn có được sự thanh tịnh, an yên giữa cuộc sống xô bồ.

nấu bún bò chay

Bún bò chay – món ăn chay nhiều người yêu thích.

Người ăn chay nhiều, quán chay ít

Thế nhưng việc tự tay nấu nướng ở nhà lại mất khá nhiều thời gian, đặc biệt nếu không biết cách nấu thì món chay dễ mất hết tác dụng, người ăn chay sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Để có những bữa ăn chay ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng, xu hướng ăn chay ngoài quán ngày càng nhiều. Dù vậy, quán chay vẫn còn ít, nhiều cung đường đi mãi vẫn chưa bắt gặp quán chay nào cho thấy cung và cầu đang tỉ lệ nghịch với nhau.

Chị Thu Hương chủ quán chay trên đường Nguyễn Thái Sơn (Q. Gò Vấp) nói: “Khu vực này (đường Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị…) chỉ có một quán chay của tôi nên sự cạnh tranh là không có. Quán tôi tuy nhỏ nhưng nhiều món và món ăn ngon nên rất đông khách”.

Chị Hương chia sẻ thêm, quán chay phải có thực đơn đa dạng, có đầy đủ các món xào, món luộc, hấp, món mặn, món khô, nước… để khách lựa chọn. Ngoài cơm chay (ăn kèm đồ ăn), nên học nấu thêm hủ tiếu, bún bò chay, lẩu chay, bò cuộn lá lốt chay… thì mới kinh doanh tốt được.

lẩu hải sản chay

Thực đơn quán chay không thể thiếu lẩu hải sản chay.

“Trước đây tôi ăn chay để hạn chế đạm, mỡ, sau thấy sức khỏe tốt, da hồng hào nên mở quán vì muốn giúp nhiều người cải thiện được sức khỏe như mình. Không ngờ quán ngày càng đông khách. Ban đầu quán chỉ có khoảng 5 món, tôi quyết định đi học để nấu thêm nhiều món cho khách lựa chọn, giờ quán có trên 30 món”, chị Phương nói.

Từ đầu tháng 7 âm lịch, mỗi ngày quán chị Hương đều bán được từ 300 – 400 suất ăn dù quán chỉ rộng chưa đến 50m2 (đã bao gồm cả khu vực chế biến). Trung bình mỗi suất cơm có giá 20 ngàn đồng, chị thu về gần chục triệu, phần trăm lời luôn là 50 – 60%. Chị cho biết thêm, từ đây đến cuối năm, nhu cầu ăn chay của người dân sẽ ổn định chứ không giảm hơn.

Bán món chay online – kiếm thêm thu nhập với nguồn vốn cực nhỏ

Càng gần đến rằm Tháng 7, dịch vụ bán món chay online càng nở rộ. Tự nấu món ăn tại nhà vừa mất thời gian, vừa khá rườm rà, vừa rất dễ… thất bại, nhiều người quyết định đặt món ăn chay online cho tiện lợi, nhanh, khỏe. Còn người kinh doanh, không cần mở cửa hàng, không cần mua sắp bàn ghế, dụng cụ và sự hỗ trợ miễn phí từ cộng đồng mạng facebook, zalo, instargram… giúp cho việc buôn bán trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết.

Chị Thu Hoài, trú tại Q.1 bắt đầu bán món chay qua mạng từ năm 2016 chia sẻ: “Ban đầu mình nấu món chay cho cả gia đình, hay chụp rồi đăng lên facebook khoe với bạn bè. Ai ngờ nhiều người thấy hấp dẫn nên bảo làm giùm. Từ đó mình nhận làm cỗ chay, hoặc món ăn chay cho giới văn phòng luôn. Vì không thuê mặt bằng nên giá mình lấy rẻ hơn chỗ khác. Người này kháo người kia, nay việc kinh doanh của mình lúc nào cũng ổn định”.

cơm chiên chay hấp dẫn

Cơm chiên chay – món ăn trong cỗ chay hấp dẫn nhiều người chọn đặt online.

Từ tháng 7 âm lịch, mỗi ngày chị Hoài bán được cả trăm suất ăn, ngày thường ít cũng 30 – 40 suất, sau khi trừ hết chi phí thì chị lãi từ 7 trăm đến 1 triệu đồng. Tuy vậy, để khách hàng ăn lần đầu, đặt lần sau thì phải có bí quyết nấu món ăn ngon. Nhiều người vẫn nghĩ nấu món chay rất đơn giản nhưng thực tế nó kỳ công, nếu không biết cách nấu thì món ăn dở tệ, lại không giữ được chất dinh dưỡng.

Đó chính là lý do dù kinh doanh được hơn 1 năm nhưng chị Thu Hoài vẫn quyết định học nấu món chay để con đường kinh doanh online của mình được lâu dài, bền vững, khách hàng yêu mến tin dùng.

Có bí quyết nấu món chay ngon trong tay, bạn có thể kinh doanh ngay lập tức. Một mặt bằng nhỏ, một xe đẩy hoặc thậm chí không cần mặt bằng bạn cũng bán hàng được. Đặc biệt các bà nội trợ đang trong thời gian rảnh rỗi, đây là thời điểm lý tưởng để chị em có thêm thu nhập tốt. Đừng ngần ngại thử sức với bán món ăn chay nhé!

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Kinh doanh quán Chay – Một đồng vốn, bốn đồng lời

Tháng 7 Âm lịch và dịp lễ Vu Lan, nhiều người tạm thời ngừng ăn mặn có chứa nhiều đạm để chuyển sang ăn chay thanh tịnh. Xu hướng này tạo ra cơ hội làm giàu, thu lời khủng cho nhiều người nhờ ý tưởng kinh doanh món ăn chay.
Dịch vụ kinh doanh đồ ăn chay lên ngôi

Nhiều năm trở lại đây, nhận thức được tầm quan trọng của ăn chay đối với sức khỏe, và cũng theo xu hướng, phong trào nên nhiều người chuyển sang ăn chay suốt tháng 7, mùa Vu Lan. Nhu cầu ăn chay tăng cao, quán ăn, nhà hàng bán đồ chay càng nở rộ. Có thể thấy rõ sự nhộn nhịp của những quán ăn bình dân, đến quán cơm, nhà hàng văn phòng, và không hiếm để bắt gặp những xe đẩy bán cơm chay bên vỉa hè cũng đông nghịt khách.

mở quán ăn chay kinh doanh, 1 vốn 4 lời

Kinh doanh quán ăn chay, Một đồng vốn bốn đồng lời

Trung bình một suất cơm chay ở nhà hàng sang trọng có giá khoảng từ 30.000 – 50.000 đ, quán ăn bình dân rẻ hơn, chỉ từ 20.000 – 25.000 đ/ đĩa nhưng bạn cũng có thể tìm thấy những quán chay có giá cực “hạt dẻ”, mỗi phần cơm chỉ từ 10.000 đ. Mùa Vu Lan, nhiều nhà hàng phát triển dịch vụ buffet chay với giá trung bình 120.000 – 250.000 đ/ người.
Với mỗi phần ăn như trên, số tiền lời bạn thu về sẽ chiếm khoảng từ 30 – 50% sau khi đã trừ hết chi phí. Nguyên liệu món ăn chay chủ yếu được làm từ thực vật, rau củ nên giá rẻ, biết địa điểm nhập hàng tận gốc thì còn được giá hơn.

gỏi củ hũ dừa chay

Gỏi củ hũ dừa chay

Không những có các phật tử, nhiều người hiện nay để đảm bảo sức khỏe và tìm đến sự tịnh tâm, an lành cũng chọn ăn chay, bỏ hoặc hạn chế các loại thịt, cá. Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng ăn chay tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, hạn chế các bệnh tiểu đường hay béo phì… Do vậy, mở quán ăn chay sẽ là một ý tưởng kinh doanh tốt cho những ai yêu thích kinh doanh chưa biết nên bắt đầu với gì trong mùa lễ Vu Lan 2017.

Nhộn nhịp các lớp học nấu món chay

Cứ trước mùa Vu Lan khoảng một vài tháng, các lớp học nấu món chay lại trở nên nhộn nhịp lạ thường. Người đến học để mở quán kinh doanh, nắm bắt thời cơ làm giàu, có người học để nấu món chay ngon cho gia đình, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và cũng có những người vì yêu thích, học cho biết, để thỏa mãn sự tò mò, hứng thú với nguyên liệu từ rau củ.

lớp học nấu ăn chay mở quán thu hút học viên

Lớp học nấu món chay luôn thu hút người học,
đặc biệt người mở quán kinh doanh và các bà nội trợ.

Chị Bùi Hoa, 43 tuổi sống tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết: “Tôi mở quán chay hai năm nay, giờ muốn học thêm món và học bài bản để mở rộng quy mô. Ngày càng có nhiều người chọn ăn chay, đặc biệt là giới văn phòng nên tạo điều kiện tốt cho những người kinh doanh”.

Cũng theo chị Hoa, quán chay của chị có lượng khách ổn định, ngày bình thường bán được trăm suất cơm, còn dịp này, mỗi ngày chị bán từ 200 – 300 suất, thậm chí giờ cao điểm còn nhiều hơn, thu về gần chục triệu mỗi ngày, trừ đi chi phí cũng lời từ 2 – 3 triệu.

Còn chị Ngọc Minh, 28 tuổi (Quận 1) chia sẻ rằng tham gia lớp học để nấu món chay cho gia đình ăn vì có mẹ chồng ăn chay cả tháng 7 âm lịch nên các thành viên còn lại cũng ăn chay cùng. Vừa để tránh phiền hà khi nấu nướng món chay, món thịt nhưng quan trọng hơn, chị Minh cho rằng “ăn chay giúp thanh lọc cơ thể, thải bỏ các chất độc hại trong người nên mọi người quyết định ăn chay cùng mẹ cả tháng. Mình đi học để biết thêm cách nấu những món chay mới lạ cho gia đình”.

học nấu ăn chay theo yêu cầu

Lớp học nấu món chay theo yêu cầu một thầy – một trò.

Tại TP.HCM, thành phố hội tụ hơn 5 triệu cư dân, nhu cầu ăn chay cực kỳ lớn không chỉ có mùa Vu Lan, dịp tháng 7 âm lịch mà dường như là hoạt động quanh năm. Nhờ vậy, những ai biết nắm bắt xu hướng, học nấu ăn chay để mở quán chay kinh doanh là hướng đầu tư “một vốn, bốn lời” khôn ngoan. Hơn nữa, thị trường hiện nay quán chay còn rất ít, mở quán chay bạn sẽ không phải đau đầu cạnh tranh nhiều như những lĩnh vực quán ăn, nhậu khác.

Học nấu món chay mở quán giờ đây không còn khó khăn nữa. Ngay tại TP.HCM, Hội Đầu Bếp Á Âu thường xuyên khai giảng các lớp học để phục vụ nhu cầu học nấu món chay của nhiều người. Nếu bạn cần thêm thông tin, đừng ngần ngại để lại số điện thoại để được tư vấn miễn phí nhé!

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Ý tưởng kinh doanh món ăn chay Mùa Vu Lan

Cứ mỗi mùa Vu Lan đến, có vô vàn ý tưởng kinh doanh phù hợp giúp bạn “bỏ túi” một khoản thu nhập không hề nhỏ. Nhưng kinh doanh gì là tốt nhất?

Những ý tưởng kinh doanh dưới đây không cần quá nhiều vốn, không nhất thiết phải mở mặt bằng, chỉ cần bạn năng động, đam mê kinh doanh thì chắc chắn chẳng mấy chốc mà thu về những khoản tiền lời hấp dẫn. Các ý tưởng chúng tôi chia sẻ ở đây đặc biệt phù hợp với người trẻ, học sinh – sinh viên, giới văn phòng, cả những bà nội trợ vì có thể linh hoạt thời gian, không gò bó bất kỳ điều khoản nào hết.

Bán món ăn chay

Học nấu món chay không khó, chỉ cần biết cách nấu một vài món là đã có thể kinh doanh. Vào mùa Vu Lan, số lượng thực khách từ ăn mặn chuyển qua ăn chay vô cùng lớn, chưa kể các phật tử. Bạn chỉ cần đầu tư một chiếc xe đẩy nhỏ, học nấu món chay thật ngon, chuẩn bị những hộp dựng thức ăn và pha nước tương chay nữa là hoàn hảo. Có thể bán buổi sáng sớm cho nhân viên văn phòng, bữa trưa hay chiều tối đều rất hiệu quả. Nên chọn những món dễ nấu như miến xào chay, cơm chay với các món ăn kèm… Cần đảm bảo sạch sẽ, chất lượng và tốc độ, linh hoạt để phục vụ khách nhanh nhất.

ngày càng nhiều người thích món ăn chay

Ngày càng có nhiều người ăn chay để giữ gìn sức khỏe và cho tâm được thanh tịnh.

Bán bánh Trung thu chay handmade

Mùa Vu Lan thường trùng với dịp Trung thu nên từ cuối tháng 6 Âm lịch, các gian hàng bán bánh Trung thu bắt đầu được dựng lên khắp các con phố. Tuy nhiên, xu hướng thực khách ngày càng ưa chuộng bánh handmade nhà làm, đó là lý do chỉ cần bạn có chút khéo tay, biết cách làm bánh Trung thu thì không khó để kiếm bộn tiền mà không cần phải mở tiệm bánh.

Và vì đúng với tên gọi handmade, các nguyên liệu làm bánh cần được đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh trung thu nhà làm cũng có tính “tùy biến” cao, có thể làm nhân theo yêu cầu của khách như nhân đậu xanh, nhân thập cẩm, ít đường, nhiều đường… Hãy học cách làm nhiều mẫu mã và có giá cả vừa phải để mọi người có thể mua làm quà biếu tặng… Mách nhỏ cho các bạn là mùa Vu Lan, lễ Trung thu năm nay, bánh trung thu rau câu rất hot đấy nhé!

bánh trung thu chay

Bánh Trung thu chay nhà làm “hot” xình xịch.

Bán các món chè

Mùa Vu Lan, nhiều người tìm đến các quán chè để thưởng thức chè sen, chè đậu xanh, chè rau câu… giúp thanh nhiệt cơ thể, giải độc và xóa tan đi căng thẳng mệt mỏi. Học nấu các món chè giúp bạn có được cơ sở bước chân vào mô hình kinh doanh bình dân, không cần nhiều vốn mà thu lại lời nhanh, hoàn vốn chỉ sau một ngày buôn bán.

Cũng như bán món ăn chay, với các món chè, bạn chỉ cần một chiếc xe đẩy nhỏ, bí quyết nấu chè ngon là được. Bán chè có thể bắt đầu từ 14 – 15h chiều cho đến tối khuya, mô hình này cực “hot” tại Sài Gòn nắng nóng.

chè ngũ sắc đắc khách mùa vu lan

Chè ngũ sắc rất đắt khách trong mùa Vu Lan.

Nhận đặt xôi

Nấu xôi khá cầu kỳ lại khó nấu nên hiện nay các gia đình hiện đại thường không muốn bỏ thời gian ra làm mà chọn cách đặt sẵn. Nếu biết cách nấu sao cho xôi mềm, dẻo, khô ráo không bị ướt, thơm ngon và có sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu thì tại sao bạn không mở ngay dịch vụ nhận đặt xôi mùa Vu Lan, tháng 7 âm lịch nhỉ? Bạn có thể mua sẵn khuôn ở ngoài chợ và làm ra những đĩa xôi đẹp với đủ sắc màu (tất nhiên là màu được làm từ rau, củ thiên nhiên đấy nhé).

Với sự phát triển của mạng facebook hiện nay, chỉ cần đăng tin đi kèm hình ảnh lên thì chẳng mấy chốc hàng trăm, hàng ngàn bạn bè của bạn sẽ biết và sớm liên hệ với bạn thôi.

Những ý tưởng kinh doanh trên đây vào dịp Vu Lan, rằm tháng 7 không cần phải mở mặt bằng, không cần đầu tư nhiều, nguyên liệu giá rẻ vì vậy mà không khó để mang về cho người kinh doanh những khoản doanh thu lớn. Đây còn là dịp để bạn có những trải nghiệm thú vị khi bước chân vào kinh doanh bình dân, nhỏ lẻ nữa đấy.

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Bí quyết mở quán ăn chay thu hút khách

 

Xác định đối tượng khách hàng, lên thực đơn ấn tượng và chú trọng đặc biệt vào chất lượng món ăn là ba yếu tố quan trọng để mở quán chay hút khách hàng.

Với nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật tăng cao, các quán ăn hoặc nhà hàng chay được mở ra ngày càng nhiều. Vì thế, mở quán chay là một hướng kinh doanh đầy triển vọng. Tuy nhiên, sức hút và doanh thu vẫn là điều khiến nhiều người băn khoăn, trăn trở để tìm câu trả lời. Dưới đây là một vài kinh nghiệm quý giá giúp bạn có thể mở quán thành công.

kinh nghiệm hút khách cho quán ăn chay

Nhiều quán chay được thiết kế hoành tráng với không gian hiện đại, ấm áp

Xác định đối tượng

Xác định đối tượng là yếu tố hàng đầu quyết định quy mô, thực đơn và giá cả của quán. Vì thế, trước hết bạn cần xác định thực khách đến quán có thể là ai. Họ là người khá giả hay bình dân, là học sinh – sinh viên hay người đã đi làm, là người lao động hay nhân viên văn phòng… Từ đây, cùng với nguồn vốn có trong tay, bạn mới có cơ sở để định hình quy mô quán lớn hay nhỏ; giá mỗi món ăn bán ra thấp, trung bình hay cao.

Sở dĩ có những quán chay chỉ 8.000 đồng/ hộp cơm nhưng cũng có những nơi giá một phần ăn lên đến 50.000 – 60.000 đồng vì người kinh doanh xác định và cân bằng được nhiều yếu tố như: nguồn vốn, mặt bằng, đối tượng đến quán… rõ ràng. Giải quyết được câu chuyện này, bạn sẽ không rơi vào tình trạng không có khả năng cạnh tranh vì quy mô quá nhỏ trong khi khách qua lại chủ yếu là dân văn phòng hiện đại hoặc ngược lại, không thể trụ vững lâu dài bởi giá quá đắt trong khi đối tượng vào quán chủ yếu là sinh viên.

Như đã nói, việc xác định đối tượng đến quán cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn mà bạn có được. Với số vốn lớn, khả năng huy động sẽ linh hoạt hơn, vì thế các đối tượng hướng đến thường đã dạng và nhiều thành phần. Với số vốn nhỏ, khả năng huy động có phần hạn chế, bạn nên cân nhắc để có thể mở quá phù hợp với khả năng của mình.

Thực đơn quán ăn

Nhiều người ăn chay nhưng không có thói quen ra quán vì nghĩ rằng món chay không phong phú, ăn ở quán cũng không khác ở nhà. Bạn cần “đánh” vào tâm lý này để phát triển quán ăn bằng một thực đơn phong phú, đặc biệt và khác lạ. Ngoài những món ăn rất phổ biến trong những bữa chay như rau luộc, đồ xào, canh củ… bạn cần mở rộng menu bằng những món ăn có sự kết hợp của nhiều nguyên liệu; các món nước như phở, bánh canh, bún, hoành thánh hoặc món “ngoại nhập” như sushi gạo lứt, bánh quiche không bơ sữa, pizza nấm cho đến các loại bánh ngọt chay hoặc kem…
Bằng một thực đơn đa dạng và hấp dẫn, bạn sẽ thu hút được khách hàng, đặc biệt là với những ai thích thưởng thức những cái mới, cái lạ.

Ưu tiên hàng đầu cho chất lượng món ăn

thực đơn món ăn chay

Món lạ, vị ngon, trình bày đẹp sẽ dễ dàng “ghi điểm” với khách hàng

Nấu món chay vừa đơn giản nhưng đồng thời cũng có những khó khăn. Dễ bởi nó không đòi hỏi phải xử lý quá nhiều các loại nguyên liệu phức tạp như nấu mặn. Khó chính vì sự hạn chế về nguyên liệu, gia vị nên đòi hỏi người đứng bếp phải biết cách nêm nếm, chế biến sao cho món ăn vừa bổ dưỡng, vừa hợp khẩu vị với phần đông khách hàng. Việc nấu ăn mở quán cũng tựa như “làm dâu trăm họ”, cần phải có sự khéo léo và tinh tế mà yếu tố quan trọng cốt lõi nằm ở chất lượng thực đơn mà bạn sẽ mang đến cho thực khách của mình.

Để đáp ứng được yêu cầu này, người chủ kinh doanh có thể thuê một đầu bếp tùy thuộc vào nguồn vốn và doanh thu của quán. Nếu không, bạn hãy trực tiếp là người đứng bếp để có thể phục vụ bằng tất cả tay nghề và sự tâm huyết của mình. Hiện nay có khá nhiều lớp học nấu ăn chay được mở ra dành cho người có ý định mở quán. Những lớp học này sẽ giúp bạn nâng cao tay nghề, biết cách nên nếm cho hợp với khẩu vị nhiều vùng miền, biết cách định lượng gia vị và nguyên liệu để vừa ngon lại vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, biết cách set up một thực đơn quán chay ấn tượng… Đấy là nguồn kiến thức, cũng đồng thời là hành trang vững chắc giúp bạn tự tin mở quán thành công.

Không có một công thức cố định nào để giải được bài toán kinh doanh thành công. Những kinh nghiệm được chia sẻ như trên là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị, tuy nhiên để lăn lộn trên thương trường cần nhiều hơn như thế. Chúc bạn thật tự tin và tích lũy thật nhiều kiến thức, lời khuyên cũng như sự trải nghiệm để “bách chiến bách thắng” với những ý tưởng kinh doanh quán chay của mình.

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Măng cuốn thịt gà hấp

Khi đã chán những món ăn quen thuộc từ gà như gà luộc, gà kho, gà xào, gỏi gà… thì măng cuốn thịt gà hấp sẽ là sự lựa chọn thông minh để thay đổi khẩu vị.

Măng là nguyên liệu dân dã, bình dị và quen thuộc trong những bữa ăn của người Việt, được dùng để nấu rất nhiều món ngon như măng xào, măng hầm, măng nộm… và măng cuốn thịt gà hấp cũng là một trong số đó. Vị giòn ngọt tự nhiên của măng kết hợp với nhân thịt gà thơm bùi thật hấp dẫn, chấm với chút tương ớt cay nồng, hương vị vừa lạ vừa quen.

Hơn nữa, món ăn này có hình thức bắt mắt, thể hiện được sự khéo léo của người đầu bếp, rất thích hợp để bạn trổ tài nội trợ trong những dịp sum họp gia đình, bạn bè.

măng cuộn gà hấp

Măng cuốn thịt gà hấp không chỉ ngon mà còn rất đẹp mắt

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • – Măng củ (măng vầu): 1 cây
  • – Thịt ức gà: 300g
  • – Trứng gà: 1 quả
  • – Hành lá
  • – Rau răm
  • – Tương ớt
  • – Các gia vị nêm nếm: hạt tiêu, cà phê…

Để chọn được măng ngon, bí quyết là nên chọn củ măng non, mềm, củ có nhiều phần đặc để dễ dàng thái lát mỏng. Quan trọng nhất là măng phải tươi thì mới giữ được độ ngọt vốn có.

Nếu thích phần nhân cuốn giòn ngọt hơn, bạn có thể dùng thêm nấm hương và mộc nhĩ.

Cách làm măng cuốn thịt gà hấp thơm ngon hấp dẫn

Sơ chế nguyên liệu:

– Măng củ lột lớp vỏ ngoài, cắt đôi củ măng và chỉ lấy phần thân to đặc ruột phía dưới, phần trên có thể xào hoặc nấu canh.

– Dùng dao sắc thái măng thành những lát tròn mỏng, bạn phải khéo léo để những lát măng mỏng đều và không bị rách.

– Ức gà rửa sạch, để ráo rồi xay nhuyễn.

– Hành lá, rau răm nhặt gốc, rửa sạch rồi thái nhỏ. Giữ lại một số cọng hành dài để buộc cố định cuốn măng. Bạn dùng muỗng đập dập những cọng hành này để hành mềm ra, có thể dùng để buộc.

Các bước thực hiện:

– Cho thịt gà xay nhuyễn vào một cái tô lớn, đập trứng gà vào, thêm hành lá, rau răm, hạt tiêu, hạt nêm rồi trộn đều hỗn hợp.

– Bạn rửa sạch tay, trải lát măng thái mỏng vào lòng bàn tay, múc một muỗng hỗn hợp thịt gà xay nhuyễn vào giữa lát măng, khéo léo cuộn lại thành một cuộn đẹp mắt. Lưu ý, bạn chỉ nên lấy một lượng nhân vừa đủ cuốn để nhân không bị tràn ra ngoài. Dùng cọng hành lá buộc ngang cuốn măng để cố định.

cuộn măng

Cuốn măng

– Xếp các cuốn măng vào nồi hấp, hấp trong khoảng 10 – 15 phút cho chín là được.

hấp măng cuộn thịt gà

Bạn không nên hấp quá lâu, sẽ làm măng mất đi độ giòn và vị ngọt vốn có

– Gắp măng cuốn thịt gà ra đĩa, trình bày đẹp mắt rồi thưởng thức cùng với tương ớt.

Chúc bạn có bữa ăn thật thú vị với công thức hướng dẫn cách làm măng cuốn thịt gà hấp của chúng tôi nhé!

Bỏ túi cách làm rau muống xào tỏi tươi xanh, giòn ngon tại nhà

Là món ăn quen thuộc tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm rau muống xào tỏi tươi xanh, giòn ngon ngay tại nhà. Bài viết dưới đây, Hội ...